CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long (HoSE: CCL) vừa thông báo miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Trịnh Sướng kể từ 6/6.
CCL miễn nhiệm thành viên HĐQT của ông Trịnh Sướng
CCL khẳng định, nguyên nhân khiến ông Trịnh Sướng bị khởi tố điều tra là vì vụ án kinh tế riêng của cá nhân ông Sướng không liên quan và ảnh hưởng đến hoạt động của CCL.
Sau khi miễn nhiệm ông Trịnh Sướng, Hội đồng quản trị còn 4 thành viên (chưa giảm quá 1/3 so với quy định) nên chưa cần triệu tập họp ĐHĐCĐ. Số lượng thành viên HĐQT độc lập cũng không có sự thay đổi.
Đồng thời, HĐQT CCL cho biết sẽ thông báo miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT mới trong kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất.
Được biết, ông Trịnh Sướng được bầu làm Thành viên HĐQT của CCL tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4/2017. Đến tháng 2/2018, ông Trịnh Sướng mua vào 5 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ 12 triệu cổ phiếu của CCL với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn nhất công ty này với tỷ lệ nắm giữ là 10,5% vốn điều lệ. Với thị giá cổ phiếu CCL ở mức 4.220 đồng, lượng cổ phần này có giá trị khoảng trên 20 tỷ đồng.
Sau miễn nhiệm, ông Trịnh Sướng vẫn là cổ đông lớn nhất của CCL. Các cổ đông lớn tiếp theo của CCL là Chủ tịch Nguyễn Triệu Dõng nắm 3,36 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,1% và Thành viên HĐQT Dương Thế Nghiêm sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,3%.
Sau khi ông Trịnh Sướng bị tạm giữ hình sự, ông Nguyễn Triệu Dõng, Chủ tịch HĐQT của CCL đã nhanh chóng đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu của công ty như một động thái “đỡ giá”. Thời gian giao dịch dự kiến diễn ra trong khoảng từ ngày 10/06/2019 đến ngày 09/07/2019.
Ông Trịnh Sướng cũng được biết đến là đại gia có hệ thống kinh doanh xăng dầu ở Sóc Trăng. Thời gian gần đây, ông còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và có hàng hóa lưu kho tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Đăk Nông.
Mới đây, vị đại gia này đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra tạm giữ để điều tra liên quan đến vụ án sản xuất, mua bán hàng giả là xăng dầu tại Đắk Nông, đồng thời Bộ Công an khám xét kho xăng dầu Phú Mỹ Hưng ở Sóc Trăng của Công ty TNHH Mỹ Hưng do ông Trịnh Sướng làm Chủ tịch kiêm Giám đốc
Lãi từ bất động sản, CCL nợ ông Trịnh Sướng 17 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Đầu Tư và Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long, doanh nghiệp mà ông Trịnh Sướng là cổ đông lớn, được Đại Hội đồng cổ đông sáng lập thông qua Dự thảo điều lệ công ty vào ngày 29/11/2007 và chính thức được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh vào ngày 5/12/2007 với vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 250 tỷ đồng.
CCL chính là chủ đầu tư dự án phát triển Đô thị và Tái định cư Khu 5A - Mạc Đỉnh Chi, phường 4, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Dự án có diện tích lên tới 113 ha, vốn đầu tư vượt 2.000 tỷ đồng.
Năm 2018, doanh thu CCL đạt 174,97 tỷ đồng tăng so với năm 2017 là 47,11%. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 31,42 tỷ đồng, tăng hơn gấp 2 lần. So với kế hoạch kinh doanh năm 2018, doanh thu thực hiện của CCL đạt 93,65% kế hoạch nhưng lợi nhuận vượt 17,28%.
Theo CCL, kết quả này có được là do hình tình kinh doanh nhà đất trong tỉnh Sóc Trăng có khởi sắc so với các năm trước. Trong quý IV/2018, công ty bắt đầu triển khai bán nền khu vực phía Bắc kênh nhân lực thuộc dự án Khu đô thị 5A và các dãy nhà liền kề công ty đã xây dựng hoàn chỉnh bán vào dịp cuối năm. Đồng thời, CCL cũng đã nhiều lần điều chỉnh tăng giá đất để tạo sức thu hút khách hàng.
Mới đây CCL cũng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2019 với kết quả không kém khởi sắc.
Theo đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong kỳ của Dầu khí Cửu Long lần lượt tăng trưởng 36% và 67% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân là do hoạt động kinh doanh bất động sản tại dự án đô thị 5A khởi sắc hơn so với các năm trước. Trong kỳ, CCL cũng đã điều chỉnh tăng giá đất từ ngày 15/1/2019.
Cũng như năm 2019, doanh thu hoạt đồng tài chính của CCL tăng từ mức 197 triệu đồng lên 378 triệu, tăng gần gấp đôi song chi phí tài chính (hầu hết là chi phí lãi vay) cũng bất ngờ tăng từ 69 triệu đồng lên 3,9 tỷ đồng.
Sau thuế, lợi nhuận của doanh nghiệp đạt 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái 5,1 tỷ. Lãi mang về của cổ đông công ty mẹ 8,9 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2019, tổng tài sản của CCL trên 828 tỷ đồng, tăng hơn 20 tỷ so với đầu năm và chủ yếu nằm ở tài sản dở dang dài hạn với 308 tỷ đồng, tập trung tới 278 tỷ tại dự án 5A.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của CCL gần 284 tỷ đồng, chiếm 34% tổng tài sản và trên 50% nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Riêng khoản nợ vay trong kỳ gần 186 tỷ đồng, chiếm trên 65% tổng nợ của doanh nghiệp.
Trong đó, vay ngắn hạn gần 160 tỷ công ty sử dụng tài sản thế chấp là giá trị sử dụng đất khu đô thị 5A để vay Agribank và BIDV chi nhánh Sóc Trăng. Khoản vay và thuê tài chính dài hạn hơn 25 tỷ nằm tại các cá nhân khác.
Đặc biệt, trong cơ cấu khoản vay và thuê tài chính dài hạn này, có tới 7 tỷ đồng CCL vay theo hình thức tín chấp của ông Trịnh Sướng theo hợp đồng ngày 27/2/2019. Thời hạn vay 24 tháng và tính lãi theo thời điểm.
Trong kỳ, CCL còn ghi nhận khoản phải trả ngắn hạn liên quan đến khoản thu tiền giá trị 10 tỷ đồng với ông Trịnh Sướng.
Như vậy, tính đến cuối tháng 3/2019, CCL còn khoảng 17 tỷ đồng liên quan đến khoản phải trả và phải trả vay đối với cá nhân ông Trịnh Sướng
.
Trong một diễn biến khác, vừa qua, công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long cho biết, công ty này nhận được Quyết định số 593/QĐ-CT ngày 29/6/2015 của Cục thuế tỉnh Sóc Trăng về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng.
Theo quyết định của cơ quan thuế, Công ty Cửu Long bị cưỡng chế hơn 8,85 tỷ đồng tiền thuế. Đây là số tiền Công ty Cửu Long nợ tiền thuế, tiền chậm nộp thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.