Dự án này do Viện chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đề xuất 4 tỉnh gồm Tây Ninh, Nghệ An, Hậu Giang, Cần Thơ tham gia, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng ADB trong giai đoạn 2021 - 2026.
Tây Ninh xin vay 1.399 tỷ đồng tham gia dự án Phát triển chuỗi giá trị rau quả ứng dụng công nghệ thông minh với khí khậu tại Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Nguyễn Đỗ Hà Anh Tuấn - Viện trưởng IPSARD cho biết mục tiêu của dự án nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao.
Dự án sẽ có các hỗ trợ nhằm tăng cường các điều kiện thuận lợi về chính sách, thể chế và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác công tư trong thương mại hóa một số nông sản ở các địa phương tham gia dự án.
Dự án thiết lập các cơ chế hợp tác công tư trong chuỗi giá trị nông sản có tính khả thi cao để đưa vào trong chương trình vốn vay của ADB cho các địa phương.
Tại Tây Ninh, khu vực nông nghiệp đóng góp từ 25% - 30% GDP cho toàn tỉnh; nhưng chỉ nhận được 6,3% -13,15% tổng vốn đầu tư. Tổng số vốn đầu tư đã thấp, mức độ đầu tư tăng không nhanh; đây là một thách thức không nhỏ cho nông nghiệp nói chung cũng như ngành hàng rau quả nói riêng.
Vốn đầu tư cho khu vưc nông nghiệp thấp, mức độ đầu tư tăng không nhanh là một thách thức không nhỏ đối với tỉnh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Trần Văn Chiến – Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết dự án có ý nghĩa lớn đối với Tây Ninh. Việc đề xuất được tham gia dự án sẽ giúp cho tỉnh có thêm các điều kiện thuận lợi để hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp và các bên liên quan phát triển chuỗi giá trị rau quả và cây ăn quả.
Theo đó, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của dự án từ nguồn vốn vay ADB chắc chắn sẽ hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung ở huyện Tân Châu và thành phố Tây Ninh, khoảng 4.7000 ha.
Tiếp đó là xây dựng đồng bộ một số chuỗi ngành hàng rau quả, đưa ra các sản phẩm thương mại hóa, có tính cạnh tranh cao hơn. Củng cố cơ sở hạ tầng cho vùng rau quả. Tăng cường năng lực cạnh tranh sản phẩm cho các bên tham gia nhất là các HTX và doanh nghiệp.
Một số mặt hàng rau quả đã được chọn như mãng cầu, nhãn, chuối, bưởi... và rau thực phẩm. Ảnh: Nguyên Vỹ
Mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 20% sản lượng rau quả thực phẩm an toàn được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; xây dựng ít nhất 2 - 3 thương hiệu nông sản đặc thù của tỉnh. Trong đó, một số mặt hàng rau quả đã được chọn như mãng cầu, nhãn, chuối, bưởi... và rau thực phẩm.
Tổng mức kinh phí cho các hợp phần đầu tư là 1.399 tỷ đồng. Trong đó, vốn doanh nghiệp hơn 141 tỷ đồng. Vốn vay và cấp phát là 1.174,4 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương vay: 100%; cấp phát 50%, cho địa phương vay lại 50%)
Đánh giá khả năng vay lại, UBND tỉnh cam kết sử dụng vốn vay ADB cho Tây Ninh (51,56 triệu USD) theo quy định hiện hành. Theo đó Tây Ninh được cấp phát 50% và vay lại 50% vốn vay nước ngoài của Chính phủ cho Dự án. Ngân sách tỉnh sẽ đảm bảo trả nợ phần vốn tỉnh vay lại.
Nguồn vốn vay ADB chắc chắn sẽ hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung ở huyện Tân Châu và thành phố Tây Ninh, khoảng 4.7000 ha. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trước đó, dư nợ huy động tối đa của tỉnh Tây Ninh hết năm 2018 khoảng 1.875 tỷ đồng; dư nợ thực tế cuối năm 2018 là hơn 42 tỷ đồng triệu đồng. Đối với Dự án nêu trên; nếu được chấp thuận, dự kiến sẽ thực hiện vào năm 2021. Vốn tỉnh Tây Ninh vay lại 50% của ADB sẽ là 587,2 tỷ triệu đồng; tương đương 25,78 triệu USD.
Theo ân hạn của ADB, đến năm 2026 tỉnh bắt đầu trả gốc và lãi theo các năm. Số nợ gốc phải trả mỗi năm 29,36 tỷ triệu đồng. Bắt đầu năm 2026 sẽ trả hơn 51 tỷ triệu đồng; tương đương 2,43 triệu USD. Đến hết năm 2045, tỉnh sẽ trả xong, số tiền tỉnh phải trả bình quân 1 năm cả gốc và lãi là 41,54 tỷ đồng; tương ứng với 1,823 triệu USD.
Ông Trần Văn Chiến cho biết, để tạo thuận lợi trong quá trình chuẩn bị, thẩm định và triển khai Dự án vốn vay; tỉnh đề xuất Bộ NNPTNT đứng ra làm cơ quan đầu mối tổng hợp và trình Đề xuất dự án lên các cơ quan Trung ương, và làm cơ quan đầu mối đại diện cho các tỉnh làm việc với các bộ ban ngành trong quá trình thực hiện Dự án. |