Dân Việt

"Bàn đạp" vươn lên làm giàu của những tỷ phú nông dân xứ Quảng

Trần Hậu - Đoàn Hồng 13/06/2019 17:02 GMT+7
Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Agribank Điện Bàn), luôn bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tập trung nguồn vốn cho vay phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó đã hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Bà Nguyễn Thị Hoa Lý -Giám đốc Agribank Điện Bàn cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã chủ động tiếp cận người dân để đầu tư vốn tín dụng nhằm phát triển kinh tế, đặc biệt là các mô hình kinh tế hộ cá thể, kinh tế trang trại, gia trại… Được tiếp cận nguồn vốn Agribank kịp thời, nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nhờ đó đã giúp cho hàng trăm hộ nông dân ở thị xã Điện Bàn thoát nghèo bền vững, nhiều hộ đã vươn lên làm ăn khá giả.

img

Từ nguồn vốn vay của ngân hàng, nhiều nông dân trên địa bàn thị xã Điện Bàn mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Ảnh: H.H

Tiêu biểu trong số đó phải kể đến hộ ông Nguyễn Văn Kiệt, Nguyễn Đức Sơn (xã Điện Thọ); hộ ông Nguyễn Tam Sương (xã Điện Trung)… Nhờ đầu tư có trọng điểm và chăn nuôi hiệu quả nên thu nhập của các hộ này trên từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm.

Chúng tôi đến thăm trang trại của hộ ông Nguyễn Đức Sơn (ở thôn Kỳ Lam, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn), được ông cho biết: “Năm 2003, tôi vay 100 triệu đồng từ Agribank Điện Bàn để đầu tư trang trại, nuôi bò, heo, gà… Sau nhiều năm nuôi, tôi thấy hiệu quả nên tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại, đến nay quy mô trang trại trên 6ha, với 200 con bò, 300 con heo, 5.000 con gà. Cùng với đó, gia đình tôi cung ứng các sản phẩm thú y, thức ăn chăn nuôi... Hiện nay, mỗi năm trang trại cho doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 1 tỷ đồng".

Một hộ khác hiệu quả không kém đó là hộ ông Nguyễn Văn Kiệt (ở thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn). Ông Kiệt chia sẻ: “Từ nguồn vốn vay 50 triệu của Agribank Điện Bàn, cộng với số tiền tích cóp được, tôi quyết định thành lập trang trại theo mô hình VAC. Đến nay, quy mô trang trại của tôi đã mở rộng lên hơn 1,5ha, với 2 ao nuôi cá (gồm cá trắm, chép, rô phi), 3 chuồng nuôi gà theo hình thức gối đầu (khoảng trên 7.000 con/lứa, mỗi năm 3 lứa). Hiện, trang trại của tôi cho doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 500 triệu đồng” - ông Kiệt phấn khởi.

“Hiện nay, các nguồn vốn cho vay của Chi nhánh chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tổng nguồn vốn đến 31/12/2018 đạt 1.504 tỷ đồng, tăng 225 tỷ đồng so với năm 2017. Tổng dư nợ đến 31/12/2018 là 448 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng so với năm 2017, tỷ lệ tăng 19.83%, so với kế hoạch năm 2018 đạt 100%, trong đó tổng dư nợ cho vay hộ sản xuất, cá nhân 416 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 92,86% tổng dư nợ hiện tại, dư nợ đối với doanh nghiệp 32 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,14%...” - bà Nguyễn Thị Hoa Lý thông tin.