Dân Việt

Dân ở nơi này ngày càng có tiền nhờ nuôi trâu, trồng dược liệu

Ninh Tuyên 12/06/2019 05:30 GMT+7
Cần cù, chịu khó nhưng không ít hội viên, nông dân xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) không thể thoát nghèo do thiếu vốn, kiến thức chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Trước thực tế đó, Hội Nông dân xã đã giúp đỡ hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ủy thác và chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con vươn lên.

Tiếp vốn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con

Đến thăm gia đình bà Mùa Thị Máy, bản Ma Sao Phìn và chứng kiến mô hình chăn nuôi đại gia súc với tổng số 13 con trâu, bò chúng tôi càng thêm khâm phục bởi 7 năm trước gia đình này vẫn thuộc hộ nghèo. Bà Máy chia sẻ: “Trước kia, quanh năm làm vất vả với nương ngô, ruộng vườn mà kinh tế gia đình vẫn không khá được.

Thông qua nguồn vốn ủy thác của Hội Nông dân với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tại Phòng Giao dịch huyện Sìn Hồ, năm 2012, gia đình tôi được vay 30 triệu đồng. Với số tiền vay được, gia đình đã mua 2 con nghé. Cán bộ Hội Nông dân xã, chi hội nông dân thường xuyên đến nhà hướng dẫn cách chăm sóc và chỉ cho cách trồng cỏ voi đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc. Đến nay, ngoài đàn trâu, tôi còn nuôi cả bò và 10 con dê. Kinh tế gia đình mỗi năm thêm khấm khá, thu nhập đạt khoảng 150 triệu đồng/năm”.

img

Bà Mùa Thị Máy, bản bản Ma Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ chăm sóc đàn trâu, bò phát triển từ vốn Ngân hàng CSXH. Ảnh: Ninh Tuyên

Trong năm 2019 và các năm tiếp theo, Hội Nông dân xã Sà Dề Phìn tiếp tục triển khai hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, tập trung vào giải pháp hỗ trợ các hội viên tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH. Hội phối hợp với Hội cấp trên và cơ quan chuyên môn huyện tổ chức các lớp dạy, đào tạo nghề cho hội viên, thường xuyên hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong phát triển các mô hình kinh tế thế mạnh như chăn nuôi gia súc và phát triển cây dược liệu…

Hỗ trợ nông dân, nhất là các gia đình hội viên nghèo phát triển kinh tế, trong những năm qua, Hội Nông dân xã Sà Dề Phìn đã triển khai nhiều giải pháp giúp hội viên xây dựng các mô hình kinh tế gắn với lợi thế địa phương.

Các nội dung hỗ trợ tập trung vào nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng CSXH, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tập huấn... Qua các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, dịch vụ và dạy nghề của Hội Nông dân, trên địa bàn xã Sà Dề Phìn đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng cây dược liệu, phát triển cây ăn quả ôn đới của hội viên nông dân cho thu nhập cao…

Giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu

Gia đình ông Mùa Sáu Gì, bản Dề Phìn cũng từng thuộc diện hộ nghèo bởi kinh tế trông chờ vào 4.000m2 ruộng 1 vụ. Năm thời tiết thuận thì gần đủ lương thực để ăn, năm thời tiết xấu, thiên tai bão lũ thì có khi mất trắng. Được sự quan tâm, động viên của Hội Nông dân xã Sà Dề Phìn, năm 2016, ông Mùa Sáu Gì mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Sìn Hồ. Mức vay dành cho gia đình ông Gì là 50 triệu đồng. Được Hội Nông dân và ngành khuyến nông tư vấn, ông Gì đã đầu tư số vốn vay ưu đãi để trồng cây đương quy với diện tích trên 2.000m2.

Được cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn kỹ thuật ươm giống và chăm sóc, vườn đương quy của gia đình ông Gì phát triển tốt. Ngay lần thu hoạch cây đương quy vụ đầu tiên, gia đình ông thu về 110 triệu đồng từ bán củ đương quy tươi. Hiệu quả từ trồng cây dược liệu, cụ thể là cây đương quy rất cao nên đến nay gia đình ông Mùa Sáu Gì đã mở rộng diện tích lên 3.000m2. Vay vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò, trồng cây dược liệu như cây đương quy, trồng các loại cây ăn quả cũng đang được nhiều hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn xã Sà Dề Phìn lựa chọn.

Hội Nông dân xã Sà Dề Phìn có tổng số 405 hội viên sinh hoạt tại 7 chi hội. Hội Nông dân xã đã đứng ra ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện Sìn Hồ cho 365 hộ vay với tổng dư nợ 9 tỷ đồng ở nhiều chương trình tín dụng ưu đãi. Đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, Hội phối hợp với cán bộ Ngân hàng CSXH, các tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên xuống hướng dẫn, kiểm tra. Nhờ đó hầu hết các hộ đã sử dụng nguồn vốn vay phục vụ phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã Sà Dề Phìn cũng phối hợp với tổ chức Hội cấp trên tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho 90 hội viên; hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên phát triển trồng đào, lê, mận, chè trên địa bàn. Từ các hoạt động hỗ trợ của Hội, mỗi năm có từ 40 hội viên thoát nghèo, giúp xã thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.