Dân Việt

Giúp ND sản xuất đáp ứng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Đông Hoàng 12/06/2019 05:45 GMT+7
Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm vừa ký ban hành Công văn số 565-CV/HNDTW về việc hướng dẫn nông dân sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Công văn 565 nêu rõ, từ nhiều năm nay, với tổng sản lượng từ 70-80% thị phần, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, có tới 60-70% nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua con đường tiểu ngạch khiến giá trị nông sản xuất khẩu thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững.

img

 Vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc không có lá, phải có chứng nhận vùng trồng và đóng gói đúng quy chuẩn. Ảnh: P.V

Từ ngày 1/5/2019, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch được áp dụng nhiều quy định mới liên quan đến chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trong đó có 2 yêu cầu quan trọng là có mã số vùng trồng (chứng nhận vùng sản xuất) và mã số cơ sở đóng gói (do Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT cấp).

Đây là thách thức, nhưng đồng thời là cơ hội tốt không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho chính người nông dân Việt Nam vì các hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu giữa 2 bên có tính pháp lý cao hơn, tránh rủi ro và thiệt thòi cho nông dân và doanh nghiệp phía Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để thị trường nông sản ổn định, bền vững hơn, có điều kiện để xây dựng kế hoạch sản xuất lâu dài, ổn định ở trong nước; nông dân thoát khỏi tình trạng thương lái chi phối thị trường, ép giá.

Để đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung mà nông sản Việt Nam có thể xuất khẩu, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tập trung triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Tăng cường chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp hội viên, nông dân nắm vững các quy định mới về tiêu chuẩn thị trường của Trung Quốc đối với nông sản nhập khẩu từ Việt Nam; xác định rõ đây không còn là thị trường dễ tính để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Thứ hai: Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng canh tác nhỏ lẻ. manh mún; tham gia, liên kết, hợp tác sản xuất để mở rộng quy mô, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao sản lượng, chất lượng từng ngành, hàng, sản phẩm… Chú trọng xây dựng các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, từng bước phát triển lên hợp tác xã, tổ hợp tác.

Thứ ba: Tiếp tục phối hợp các ngành, doanh nghiệp trong xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất theo chuỗi giá trị; tổ chức tập huấn, hướng dẫn về quy trình, thủ tục đăng ký mã vùng sản xuất, mã cơ sở đóng gói nông sản theo quy định; vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP; định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, phát triển bền vững...

Thứ tư: Tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, năng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, tạo điều kiện để nông dân được học tập, trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu chuyển giao khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm…