Sau khi chia tay với Vũ Thị Huệ, Bạch Hải Đường mang một mối hận tình trong lòng nên tâm trạng nặng nề u uất. Và theo tâm lý thường tình, khi người ta bị thất bại trên đường đời, trong công cuộc làm ăn hoặc thất bại trong tình cảm là lúc mang tâm trạng lẻ loi, cô độc nhất. Bạch Hải Đường tuy là một kẻ tội phạm, một tên tướp cướp khét tiếng, sống ngoài giang hồ nhưng trong hoàn cảnh vừa trốn khỏi trại giam, bị người vợ trẻ đẹp phụ bạc hắn cũng cảm thấy đau lòng. Hơn nữa, người phụ bạc tướng cướp là ai? Là người mà hắn hy sinh cả bản thân để lo kiếm tiền cung phụng.
Bạch Hải Đường được xếp hàng ngang về danh tiếng với Điền Khắc Kim, Đại “cathay”, những tay anh chị lừng lẫy trước năm 1975
Giọt nước mắt hiếm hoi của tướng cướp
Cũng như bao người khác, khi thất bại họ nghĩ ngay đến việc về thăm gia đình, Bạch Hải Đường cũng vậy. Hắn quyết định về quê thăm mẹ là bà Lê Thị Huê. Bà Huê lúc này đã già yếu, bệnh tật, sống trơ trọi một mình vì ông Nguyễn Văn Của, cha của Bạch Hải Đường đã chết cách đấy mấy năm. Nỗi đau tang chồng, sự thương nhớ đứa con trai mà bà Huê hết lòng kỳ vọng nhưng nó lại biệt vô âm tín đã rất lâu rồi không thấy trở về. Hai đứa con gái, em của Bạch Hải Đường cũng đã lớn. Họ cũng rời xa bà lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Một người đàn bà đau ốm, hàng ngày ra vào trong căn nhà lụp xụp nhang khói cho chồng, mong ngóng ba đứa con như những cánh chim trời bay ra khỏi tổ vẫn còn mờ mịt ở chân mây, thật không còn cảnh ngộ nào hơn. Ai nhìn vào cũng cảm thấy xót thương.
Một buổi tối chuẩn bị đi ngủ, bà Huê giật mình vì nghe có tiếng động ngoải cửa. Tiếng động này rất quen. Bà choàng dậy, tất tả chạy ra ngoài. Lúc này, Bạch Hải Đường cũng vừa xô cửa bước vào. Thấy đứa con trai mà mình hằng mong đợi bất ngờ trở về trong đêm khuya, bà Huê bật khóc. Hai mẹ con mừng mừng tủi tủi. Bạch Hải Đường ôm mẹ vào lòng và hình như hắn cũng khóc.
Đêm đó, trong căn nhà xao xác, nhiều hình ảnh kỷ niệm hiện về. Một bà mẹ già, một đứa con trai đã ngót nghét tuổi trung niên hầu như “trắng đêm tâm sự”. Bạch Hải Đường đã sực nhớ tới người cha cả đời cơ cực, lo lắng cho hắn, sầu muộn vì hắn nên thể hiện sự ăn năn bằng việc nhiều lần tới bên bàn thờ đốt nhang cho cha. Bà Huê không biết Bạch Hải Đường van vái đều gì trước bàn thờ chồng, nhưng bà mong ông phù hộ cho nó. Thằng Truyện ngỗ ngược ngày nào nay đã là một gã đàn ông, dù giang hồ, nhưng nó cũng vẫn là một đứa con.
Sáng hôm sau, Bạch Hải Đường từ giã mẹ ra đi sớm khi hàng xóm vẫn còn chưa thức giấc. Dù Bạch Hải Đường không hề nói nhưng bà Huê biết con trai lại trốn khỏi nhà giam nên không níu kéo nó ở lại. Bạch Hải Đường cũng không cho mẹ biết là hắn sẽ đi đâu. Bởi hắn làm gì có chỗ nào để đi chứ. Nhưng khi lang thang ở bến xe trong sương sớm, Bạch Hải Đường quyết đi Sài Gòn tìm gặp hai đứa em gái.
Bạch Hải Đường ở Sài Gòn gần một tháng trời nhưng không tìm được địa chỉ nhà thuê của hai đứa em gái. Đến chính tên tướng cướp cũng không hiểu sao lần trốn trại “về đời” này hắn lại thiết tha muốn gặp mặt hai đứa em ấy như vậy. Trong ba người thân yêu còn lại trên đời, hắn đã gặp mẹ, chỉ còn hai đứa em gái hắn chưa gặp được nên lòng dạ rất bồn chồn. Nhưng Bạch Hải Đường không thể ở lại lâu giữa một Sài Gòn mênh mông lại không phải là “lãnh địa” của hắn. Hơn nữa, chắc chắn công an cũng đang truy lùng hắn khắp nơi. Sài Gòn mênh mông nhưng lại quá nhỏ hẹp với Bạch Hải Đường. Hơn nữa, hắn đang trong hoàn cảnh của một tội phạm đang bị truy lùng gắt gao. Bạch Hải Đường quyết định trở về Cần Thơ gặp mấy thằng bạn cũ, may ra có cách “làm ăn”.
“Chí lớn” gặp nhau
Ở Cần Thơ, Bạch Hải Đường có mấy người bạn giang hồ, một trong số đó là Hải. Bạch Hải Đường được Hải đưa đến một quán nhậu vỉa hè rồi hai đứa ngồi lai rai tâm sự. Sau khi mỗi đứa vô được mấy ly, mặt sừng sừng, Bạch Hải Đường hỏi: “ Hồi này mày làm ăn ra sao?”, “Ăn thôi chứ không có làm”, Hải trả lời nhát gừng. “Sao vậy?” hắn lại hỏi.
Hải thở dài: “Khó quá, mấy ông quân quản kiểm soát gắt gao, giang hồ tụi mình khó còn đất sống”, Bạch Hải Đường hậm hực.
Khó cũng phải ráng. Tao vừa trốn trại, đang kẹt tiền, lại bị vợ đá. Nó bỏ theo trai trước mũi mình mới tức”.
Hải khinh khỉnh, cười mũi:
“Bạch Hải Đường mà cũng bị bồ đá mới lạ. Nhưng mày thiếu cha gì phụ nữ mê, quên đi”...
Bạch Hải Đường cười trừ bảo: “Ừ cũng phải quên thật”. Tuy nhiên, trong lòng, hắn vẫn tiếc rẻ vì Vũ Thị Huệ trẻ và đẹp. Và, cũng vì thương nhớ Huệ mà hắn mới trốn khỏi trại giam. Có lẽ biết “vợ hờ” chơi “ác” như vậy thà hắn ở trong tù còn hơn.
Nói xong, cả hai cùng cụm ly và bàn cách làm ăn lớn. Hải rỉ rả cho Bạch Hải Đường biết dạo này ở biên giới giáp Campuchia thiên hạ làm ăn dữ lắm, người nào cũng làm giàu mau, đổi đời nhanh. Hắn rủ Bạch Hải Đường lên đó “làm ăn”.
“Thiên hạ mang vàng chung chi vượt biên, dân anh chị buôn lậu vàng. Tụi mình thì…cướp vàng”, Hải bảo. Tuy nhiên, Bạch Hải Đường tỏ ra dè chừng vì hắn chỉ nổi danh là nhà “ảo thuật” chuyên nhập nha trộm đồ chứ chưa từng đi cướp bao giờ. Thấy vậy, Hải khích tướng: “Bạch Hải Đường mà cũng nhát gan vậy sao? Trộm cắp thì cuộc đời giống…con cò lặn lội bãi sông (?!), bao giờ mới khá được. Cướp mới ngon, mà cướp vàng thì mau giàu. Tuy nhiên, muốn đi “ăn hàng” ở biên giới thì phải có “hàng nóng” để phòng thân. Nếu đụng với đối tượng nào thì còn “nổ” mà thoát thân. Dân biên giới thì nổi tiếng là các anh chị toàn có số má giang hồ”.
Bạch Hải Đường gật đầu nghe vẻ tâm đắc. Hắn “khoe” với Hải rằng đang có hai khẩu Colt 45 và K59. Tuy nhiên, đang gửi ở nhà một người bạn tên Việt. Thấy “đồng độåi” có “hàng nóng”, Hải vui sướng như vớ được vàng. Hắn bảo Bạch Hải Đường: “Vậy lo lấy súng đi, hai tuần nữa gặp nhau rồi đi Châu Đốc, từ đó kiếm đường lên biên giới”.
Đúng hẹn với Hải, hai tuần sau, Bạch Hải Đường có mặt ở Cần Thơ. Việc trước tiên của hắn là đi tới nhà tên Việt lấy súng. Tuy nhiên, tên này đi vắng. Không thể đợi Việt về, Bạch Hải Đường đi thẳng ra chỗ giấu súng phía sau nhà hì hục đào lên cho vào túi nilon cẩn thận rồi giấu vào bụng. Sau đó hắn đi thẳng ra bến xe, đây là điểm hẹn với Hải. Bạch Hải Đường ngồi ăn phở và chờ đợi cuộc gặp quan trọng này. Một lúc Hải tới.
“Xong cả chưa?”, vừa ngồi xuống ghế đối diện Hải hỏi luôn. “Xong”, Bạch Hải Đường trả lời cộc lốc. Hải nói: “Thế thì đi”. Bạch Hải Đường lại hỏi: “Không giải quyết nạn đói của cái bao tử à?” “Tao ăn rồi. Tranh thủ lên đường đi”, Hải giục.
Hai đứa đi xe đò sang Long Xuyên. Vừa xuống bến xe Long Xuyên, Bạch Hải Đường và Hải vào quán cơm dằn bụng trước khi đi Châu Đốc. Nhưng ăn xong Bạch Hải Đường cảm thấy do dự. Hắn muốn đi thăm bồ ở gần đó. Khi Hải tỏ ý phản đối thì tướng cướp giải thích: “Gần đây thôi, mày thông cảm ngồi chờ tao một chút”.
Không đợi Hải có đồng ý hay không, Bạch Hải Đường đi thẳng tới nhà thằng bạn tên Mực ở cầu Quay để thăm cô bồ tên Lương. Cô này chính là em gái của Mực. Lương không có nhà nhưng Mực nhờ đứa em nhỏ đi gọi Lương về. Hàn huyên với cô bồ một lúc, Bạch Hải Đường vội vã ra bến xe gặp Hải. Cả hai đi Châu Đốc rồi tìm tới nhà người bạn tên Lượm, đây là một “chiến hữu” của Bạch Hải Đường. Nhà Lượm sát một bến ghe và đây là “bãi đáp” của những người tìm cách vượt biên qua biên giới Campuchia bằng “tắc xi”. Ở đây, “tắc xi” mà họ gọi thực chất là những chiếc ghe nhỏ. Từ “bãi đáp” này, những kẻ vượt biên đi đường bộ qua biên giới Thái Lan.
Thói quen kỳ lạ của Bạch Hải Đường Chia tay Hải, Bạch Hải Đường trở về nhà thăm mẹ. Bao giờ cũng thế, trước một chuyến “đi xa làm ăn” hắn đều nhớ tới mẹ và muốn về nhà gặp bà trước lúc ra đi. Đây có thể là vấn đề tâm lý của Bạch Hải Đường cảm thấy sẽ có bất trắc trên bước đường phạm tội. Hắn muốn có một chỗ dựa tinh thần để yên lòng, cân bằng tâm lý trước nỗi lo lắng. |