Dân Việt

Vụ xăng giả của Trịnh Sướng, ĐBQH nói gì về trách nhiệm của tỉnh?

Lương Kết (ghi) 12/06/2019 13:19 GMT+7
Sáng nay (12/6), bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng) đã có trao đổi với báo chí quanh vụ án đại gia Trịnh Sướng làm giả xăng.

img

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).

Thưa ông, liên quan đến vụ xăng giả của đối tượng Trịnh Sướng và đồng phạm, doanh nghiệp của đối tượng này từng tài trợ cho lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đi nước ngoài, điều này đã dấy lên nghi ngờ việc "bảo kê" nên sai phạm chậm được phát hiện, ông nghĩ sao?

- Cơ quan nhà nước kiểm tra theo định kỳ và kiểm tra đột suất mà không phát hiện có nghĩa là thủ đọa của họ rất tinh vi. Không thể nói là cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm. Cơ sở xăng dầu liên quan đến Trịnh Sướng, cơ quan chức năng đã có kiểm tra, phát hiện sai phạm và phạt 50 triệu đồng, theo Luật xử phạt vi phạm hành chính, phạt 50 triệu là số tiền rất lớn, gần như kịch khung.

Trong buổi họp báo, lãnh đạo của tỉnh Sóc Trăng đã nhận khuyết điểm khi không phát hiện sai phạm kịp thời thưa ông?

- Rõ ràng việc xảy ra trên địa bàn thì tỉnh phải nhận trách nhiệm, đầu tiên là Sở Công Thương, Sở Khoa học Công nghệ và cơ quan thuế, cuối cùng là cơ quan Công an.

Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối quản lý xăng dầu, đến nay chưa thấy động thái của Bộ này quanh vụ làm xăng giả này, ông thấy sao?

- Có 2 điểm, thứ nhất ở địa phương, ông Lê Văn Hiểu, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhận khuyết điểm về mặt quản lý nhà nước. Tức là công tác hậu kiểm, quản lý có vấn đề nên không phát hiện ra được. Từ đó, với vai trò là cơ quan lập pháp, cũng cần xem lại ý kiến từ cơ sở để tạo điều kiện hậu kiểm đã phù hợp chưa, cần cải tiến nào để nâng cao chất lượng hậu kiểm. Trong vụ án Trịnh Sướng và đồng phạm, với tư cách cơ quan quản lý ở địa phương, lãnh đạo Sóc Trăng đã nhận trách nhiệm.

Với Bộ Công Thương, đầu tiên cần phải xem việc nhập phụ gia được quy định ở nghị định, thông tư nào. Phụ gia, theo Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, không phải là mặt hàng cấm, vì vậy, doanh nghiệp có yêu cầu nhập, nộp thuế, báo cáo các bên. Trong vụ việc của Trịnh Sướng trách nhiệm của doanh nghiệp là chủ yếu. Họ cố tình nhập về mà không làm theo luật, đó là tình tiết tăng nặng tội danh.

Với tư cách người có chuyên môn, nhưng người trong cơ quan chức năng cần dự đoán phụ gia làm được gì. Có thể hậu kiểm là phụ gia ấy được làm gì, bán cho những ai. Cái đó chúng ta đang yếu, chưa có bộ phận chuyên quản lý mặt hàng hóa chất. Vấn đề là sau khi vụ án kết thúc, cơ quan điều tra có kết luận, chúng ta cần ngồi lại để xem cần điều chỉnh chỗ nào. Khi việc điều tra chưa kết thúc, chúng ta chưa biết được khâu nào trong chuỗi quản lý nhà nước bị hổng, có vấn đề.

Theo ông, có hay không sự mờ nhạt hay lỗ hổng nào trong kiểm soát hàng giả của quản lý thị trường trong vụ việc này?

- Đánh giá việc có sự mờ nhạt hay không mờ nhạt của lực lượng quản lý thị trường phải theo pháp lệnh và pháp luật. Theo Pháp lệnh, việc chuyển cơ quan quản lý thị trường theo trục quản lý dọc từ Trung ương đến địa phương là một bước tiến để giảm bớt sự ngăn chặn của địa phương và đảm bảo liên thông thị trường. Pháp lệnh quản lý thị trường được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2018 đã tạo điều kiện cho cơ quan quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ. Pháp lệnh này mới có hiệu lực 8 tháng, cần thời gian để quản lý thị trường sắp xếp bộ máy để ổn định.