Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF). (Ảnh: Internet)
Ông Mai Hữu Tín làm Chủ tịch, con trai bầu Thắng giam gia HĐQT Gỗ Trường Thành
Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 dự kiến được tổ chức vào ngày 24/6, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) đã tiến hành hàng loạt thay đổi nhân sự ở những vị trí cấp cao.
Theo đó, HĐQT Gỗ Trường Thành đã thông qua việc miễn nhiệm ông Hồ Anh Dũng khỏi các vị trí Chủ tịch HĐQT và Thành viên HĐQT. Ông Mai Hữu Tín sẽ được bầu thay thế vào vị trị Chủ tịch HĐQT, đồng thời ông Tín cũng không còn là Tổng Giám đốc của Gỗ Trường Thành
Thay thế ông Mai Hữu Tín ở vị trí Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Trọng Hiếu, thành viên HĐQ. Còn ông Vũ Xuân Phương sẽ giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT được ông Tín để lại.
Ông Vũ Tuấn Hoàng cũng được miễn nhiệm khỏi HĐQT, và hai ông Võ Quốc Lợi, Lê Văn Minh được bổ nhiệm giữ chức vụ Thành viên HĐQT thay thế cho sự rời đi của ông Hồ Anh Dũng và Vũ Tuấn Hoàng.
Theo tìm hiểu của PV, ông Võ Quốc Lợi là con trai của ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng – PV), Chủ tịch Đồng Tâm Group, còn ông Lê Văn Minh hiện là Giám đốc tài chính của Gỗ Trường Thành.
Bắt tay với bầu Thắng, ông Mai Hữu Tín có tái thiết thành công Gỗ Trường Thành?
Từng là một trong số ít doanh nghiệp gỗ đầu ngành tại Việt Nam, Gỗ Trường Thành đã được tỷ Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup) dự định đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng để mua 72 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng sở hữu 49,9% vốn của Gỗ Trường Thành vào năm 2016. Thêm vào đó, Gỗ Trường Thành còn đứng trước cơ hội được bao tiêu 30% doanh thu.
Tuy nhiên, việc hợp tác giữa hai bên đã dừng lại xuất hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa số liệu mà Gỗ Trường Thành công bố cho nhà đầu tư và tình hình thực tế mà Tân Liên Phát nắm được. Những sai lệch này chủ yếu liên quan đến hàng tồn kho và công nợ.
Giữa năm 2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Võ Trường Thành và Võ Diệp Văn Tuấn về tội "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán".
Sự hợp tác giữa doanh nhân Mai Hữu Tín và doanh nhân Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) là bước tiến thực tế mà Gỗ Trường Thành đã đạt được trong quá trình tái cấu trúc của mình. (Ảnh minh hoạ)
Cùng với đó, hoạt động kinh doanh của Gỗ Trường Thành cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí cổ phiếu TTF đã phải chịu việc bị hạn chế về thời gian giao dịch do thua lỗ 2 năm liên tiếp, nhưng sau đó đã được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho phép giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát từ ngày 8/5/2019.
Cụ thể, năm 2017, Gỗ Trường Thành lỗ sau thuế chưa phân phối hơn 1.406,8 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2018 hơn 715 tỷ đồng. Tính tới ngày 31/12/2018, Gỗ Trường Thành vẫn còn khoản vay ngân hàng quá hạn với tổng trị giá khoảng 138 tỷ đồng, song tại thời điểm lập báo cáo tài chính kiểm toán, ban lãnh đạo công ty cho biết đã thu xếp được nguồn vốn thanh toán.
Thời điểm kết thúc quý I/2019, các khoản lỗ lũy kế tại bảng cân đối kế toán của Gỗ Trường Thành tiếp tục tăng lên hơn 2.120 tỷ đồng. Qua đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ còn vỏn vẹn gần 20 tỷ đồng, một kết quả có thể khiến các cổ đông và nhà đầu tư không yên tâm.
Nếu tính riêng 3 tháng đầu năm 2019, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu thuần hơn 198 tỷ đồng và 60 tỷ đồng lợi nhuận gộp, không có chuyển biến đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Công ty báo lỗ từ hoạt động kinh doanh gần 2 tỷ đồng.
Song nhờ khoản thu nhập khác gần 2,8 tỷ đồng, Gỗ Trường Thành vẫn báo lãi quý I là hơn 350 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm 2018 là 2,7 tỷ đồng. Còn trong quý IV/2018, Gỗ Trường Thành ghi nhận lãi ròng chỉ 0,21 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2018, nợ vay của Gỗ Trường Thành chỉ còn khoảng 500 tỷ đồng (giảm 44% so với thời điểm đầu năm 2018). Tuy vậy, nhiều khoản nợ vẫn đang trong trạng thái “khoản vay đã quá hạn chưa thanh toán”.
Chủ nợ lớn của Gỗ Trường Thành là Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) - Chi nhánh Bình Dương với khoản cho vay hơn 123 tỷ đồng (tại thời điểm quý I/2019). Con số này gần như không đổi so với thời điểm đầu năm 2018 (124 tỷ đồng). Điều này cho thấy khó khăn của Gỗ Trường Thành trong việc thanh toán cho các chủ nợ hiện tại.
Chủ nợ của Gỗ Trường Thành còn có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (AgriBank), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với những khoản tín dụng nhỏ có số dư tại thời điểm cuối quý I/2019 lần lượt đạt 5,7 tỷ đồng và 5,9 tỷ đồng.
Ngoài ngân hàng, chủ nợ lớn nhất của Gỗ Trường Thành còn có cá nhân ông Lê Hồng Minh với trị giá khoản vay tại thời điểm cuối quý I/2019 là 362,8 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý I/2019, tổng nợ phải trả của Gỗ Trường Thành đạt 2.625 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả ngắn hạn lên tới 1.894 tỷ đồng, gấp 96 lần vốn chủ sở hữu. Chỉ riêng nợ vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn + dài hạn) của doanh nghiệp là gần 500 tỷ đồng, gấp 25 lần vốn chủ sở hữu.
Tới tháng 5/2019, Gỗ Trường Thành đã thông báo về việc sáp nhập Công ty CP Sứ Thiên Thanh – một doanh nghiệp của doanh nhân Võ Quốc Thắng (bầu Thắng). Thông tin này không bất ngờ nhưng cho thấy bước tiến thực tế mà Gỗ Trường Thành đã đạt được trong quá trình tái cấu trúc của mình.
Tuy nhiên, với những khó khăn hiện hữu tại Gỗ Trường Thành, việc vực dậy doanh nghiệp đối với ông Mai Hữu Tín và các cộng sự vẫn sẽ là “một cuộc chiến lâu dài”.