Ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề
TS. Nguyễn Giang Thu – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và MT cho biết, hiện nay rác thải từ vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom và xử lý triệt để. Chúng được xếp vào danh sách “rác thải nguy hại” và được thu gom, xử lý theo quy định về rác thải nguy hại của Bộ TNMT. Hàng năm mỗi tỉnh thải ra khoảng từ 50-100 tấn rác thải này. Trong đó, mỗi ha lúa/vụ, nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1-1,5kg bao bì, chai lọ đựng thuốc; còn trồng hoa màu, cây công nghiệp thì việc sử dụng thuốc BVTV gấp 2-3 lần trồng lúa.
Hình ảnh bãi biển ở Thanh Hóa đầy rác trong bài báo trên tờ Reuters tháng 4/2018. Ảnh: Reuters.
Tại một số tỉnh như Long An, Đồng Nai… đã tiến hành thu gom và xử lý rác thải này bằng hình thức đem đốt tại các lò đốt chuyên dụng của một số đơn vị được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên lượng rác được thu gom và xử lý chiếm tỉ lệ rất thấp so với lượng rác xả thải ra và tồn đọng trong đồng ruộng. Ví dụ tỉnh Đồng Nai mới xử lý được 18 tấn trong khi hàng năm xả thải ra khoảng 100 tấn rác thải trên.
Ngoài ra, các tỉnh khác chưa đầu tư công nghệ xử lý thì mới thu gom vào các hố rác và nông dân đốt ở nhiệt độ chỉ vài trăm độ C thì sẽ không phân hủy hết mà thừa lại tàn dư bên ngoài môi trường (nguyên tắc, bao bì, chai lọ thuốc phải được đốt ở nhiệt độ 1.500 độ C mới tiêu hủy hết). Bên cạnh đó, nếu ở ngoài môi trường chất thải nhựa nylon khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đặc biệt ở những nơi chưa có bể thu gom chai lọ, bao bì phân bón và thuốc BVTV thì người dân bỏ lại góc ruộng, sau đó trôi nổi tự do ngoài môi trường.
Nghề cá, nuôi trồng thủy sản, các hoạt động giải trí và phúc lợi toàn cầu đều bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm rác thải nhựa, với ước tính giảm 1-5% lợi ích mà con người lẽ ra được hưởng từ đại dương.
Theo một nghiên cứu được công bố tuần qua trên Bản tin về ô nhiễm hàng hải, chi phí mang lại những lợi ích như vậy, được gọi là giá trị hệ sinh thái biển, lên tới 2,5 triệu USD mỗi năm. Mỗi tấn chất thải nhựa cũng được cho là làm giảm giá trị môi trường tới 33.000 USD và ước tính có khoảng 8 triệu tấn ô nhiễm nhựa đổ vào các đại dương trên thế giới hàng năm.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại CANADA năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam ủng hộ nước chủ nhà Canada dành trọng tâm nội dung nghị sự của Hội nghị G7 mở rộng năm nay tập trung vào chủ đề biển và đại dương; Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương và khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này. |
PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương – Viện nước tưới tiêu và môi trường thẳng thắn bày tỏ: Hiện có 45% rác thải nông thôn được thu gom, chưa được xử lý mà đổ thẳng ra các bãi rác không hợp vệ sinh. Đặc biệt, từ khi chương trình NTM được triển khai có quy định xử lí rác thải (tiêu chí thứ 17) thì nhiều địa phương chỉ thu gom để được công nhận NTM chứ chưa có chỗ xử lý, không có chỗ đổ thì nơi tiện nhất là kênh, mương và sông suối bởi đó là những nơi có dùng chảy, khi nước chảy đi thì... vô can.
“Có những nơi lợn chết vì dịch vứt đầy kênh mương nhưng không có chế tài xử phạt. Huyện Khoái Châu (Hưng Yên) phải chi hơn 10 tỷ đồng để khơi thông dòng chảy do tắc cống. Thiệt hại như vậy nhưng trách nhiệm cuối cùng không thuộc về ai cả. Có 4 Bộ cùng tham gia: Bộ TNMT, Bộ KHCN, Bộ Xây dựng và Bộ NN&PTNT. Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Bộ nào? Ngành nào? Đã đến lúc chúng ta cần xem lại trách nhiệm đến cùng về vấn đề rác thải”, bà Hương bày tỏ.
Với hơn 3.000 km đường bờ biển, mỗi năm, Việt Nam xả ra đại dương khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa qua 112 cửa sông, 80% lượng rác thải biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Ảnh: IT.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) cho biết, trong 5 năm gần đây tác động từ rác thải nhựa đến hệ sinh thái rất lớn.
Đối với ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản thì vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của rác thải nhựa: chất thải nhựa có kích thước lớn như lưới, ngư cụ, phao xốp để làm lồng bè… của người dân đều thải trên biển. Có những mẻ lưới gần bờ 4 phần cá thì 1 phần rác thải trong đó phần lớn là rác thải nhựa.
Ông Nguyễn Văn Phấn – Trung tâm giáo dục và truyền thông môi trường – Tổng cục môi trường cho rằng, chính sách thuế, mức thuế với túi ni lông hiện đã nâng từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg nhưng vẫn là quá ít và rất khó để thực hiện.
“Các ngành cần điều tra, thống kê một cách nghiêm túc để đánh giá thực trạng sử dụng rác thải nhựa hiện nay, rà soát lại các văn bản luật pháp có liên quan đến rác thải nhựa và điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, giảm sử dụng bao bì, túi ni lông trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình thu gom, tái chế tái sử dụng và hạn chế sử dụng chất thải nhựa; tăng cường phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao…”, ông Phấn kiến nghị.
Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo (2015) và Luật bảo vệ môi trường năm 2014. Các văn bản dưới luật có Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu: Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Hiện tại Bộ TNMT cũng đang xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương. |