Hơn 2 tháng qua, đoạn sông Đà chảy qua địa phận huyện Phù Yên (Sơn La) dọc theo các xã Tường Thượng, Tường Phong, Tường Tiến, Tân Phong, Bắc Phong… nước sông hạ thấp kỷ lục, dòng chảy trở nên cạn đục, trơ đáy. Hai bên bờ biến thành bãi bồi, bùn lầy, nứt vỡ vì thời tiết khô nóng. Người dân 2 bên bờ sông phải sống trong cảnh đi lại chật vật, vất vả.
Đa số người dân sinh sống hai bên bờ sông chủ yếu di chuyển bằng thuyền, bè... Nước sông hạ thấp khiến khoảng cách từ bờ sông ra tới dòng chảy kéo dài hàng trăm mét, đã làm cho việc đi lại của người dân bị đảo lộn.
Tại khu vực bến phà Vạn Yên, thuộc xã Tân Phong (Phù Yên) nơi tập trung nhiều hành khách qua lại, lòng sông đã biến thành thung lũng bùn rộng mênh mông, khô cạn, nứt vỡ. Những chiếc thuyền chở khách đậu cách bờ chừng nửa cây số, người dân phải đi bộ cõng đồ vất vả mới tới nơi để lên thuyền sang bờ.
Khu vực lòng sông biến thành bãi đất rộng mệnh mông, bề mặt nứt vỡ vì nước rút cạn lâu ngày. Nơi đây tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm bởi trông bề mặt đất khô nhưng phía dưới là lớp bùn nhão, dễ xảy ra sụt lút, mắc kẹt khi có người di chuyển qua.
Để đi lại trên mặt bùn khu vực lòng hồ, một số người dân tại địa phương đã tự vận động nhau góp sức, góp gỗ xẻ thành từng tấm ván ghép lại, dải thành đường băng dài để di chuyển qua lại.
Hàng ngày, người dân phải đi lại vất vả để qua sông, người đi bộ, người dắt xe...
Nước rút mạnh, khu vực vùng lòng sông trơ tới đáy, nước cạn khô. Nhiều thuyền, bè, lồng nuôi cá của người dân bị mắc kẹt vì không kịp di chuyển.
Mỗi ngày có hàng trăm lượt khách phải đi lại chật vật để mới sang được bờ sông.
Theo người dân sống hai bên sông kể lại: Khoảng 3 - 4 năm nay, mới thấy nước sông Đà rút mạnh, hạ thấp kỷ lục như thế này. Năm nào vào khoảng tháng 5 đến tháng 9 nước sông cũng rút, nhưng mọi năm vẫn dễ ràng qua lại. Nước sông hạ thấp không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, mà nhiều hộ nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ cũng bị thiệt hại nặng vì không kịp di chuyển lồng cá.
Nhiều thuyền, bè của người dân sống hai bên bờ sông phải bỏ lại nơi đất khô vì mắc cạn, sắt bị hoen gỉ, hư hỏng, biến thành đống sắt vụn.
Để qua sông người dân phải di chuyển khoảng cách rất xa đến nơi có dòng nước trũng, bởi nơi đó mới có thuyền chở đậu chở khác qua sông.
Hơn 2 tháng nay, cuộc sống của những người dân hai bên bờ sông đang bị đảo lộn, khó khăn chồng chất. Trong đó, nhiều gia đình vốn sống phụ thuộc vào nghề đánh bắt, nuôi cá, là nghề thu nhập chính, nước sông cạn khiến nhiều nông dân bị thất thu.
Nhiều cháu học sinh nhỏ phải theo chân người lớn đến trường trong cảnh khó nhọc mùa nước sông cạn.
Nhiều tàu thuyền trọng tải lớn bị mắc cạn vì không thể di chuyển theo dòng nước.
Những chiếc xe khách, xe tải chở hàng, đợi khách, đợi hàng nơi bến sông cạn.