Dân Việt

Long An: Khẩn cấp lập ban chỉ đạo chống dịch tả châu Phi ở cấp xã

Trần Đáng 13/06/2019 19:30 GMT+7
Trước áp lực vây ráp của dịch tả heo châu Phi (DTHCP), tỉnh Long An đã khẩn cấp cho thành lập ban chỉ đạo cấp xã để tăng cường chống dịch.

Đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước cho lập ban chỉ đạo cấp xã phòng chống DTHCP. Và là 1 trong 5 tỉnh của cả nước đến thời điểm này chưa phát hiện DTHCP.

img

Một chốt kiểm soát vận chuyển heo tại xã Long Sơn, Cần Đước. 

Hiện, tỉnh Long An có các địa phương như: huyện Châu Thành, Tân Thạnh, Tân Hưng tiếp giáp với các tỉnh có DTHCP là Tiền Giang, Đồng Tháp; huyện Cần Giuộc, Đức Hòa, Đức Huệ tiếp giáp với TP.HCM (vừa công bố dịch) và Tây Ninh nên khả năng heo dịch được vận chuyển từ các tỉnh, thành này qua các tuyến đường nối tiếp để vào địa bàn tỉnh gây xảy ra dịch là rất lớn.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, trước tình hình DTHCP xuất hiện tại các tỉnh, thành lân cận, Long An chuyển từ phòng dịch sang sẵn sàng chống dịch với việc các biện pháp cấp bách và quyết liệt hơn.

“Việc tỉnh chỉ  đạo cấp xã thành lập ban chỉ đạo chống dịch cũng trong tinh thần chống dịch quyết liệt. Các xã có quyền lập chốt kiểm soát vận chuyển heo, cũng như tổ chức quản lý các hộ nuôi heo, khử trùng…”, bà Khanh cho biết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Võ Thanh Hồng cho biết, ngay sau khi tỉnh Tiền Giang công bố xảy ra DTHCP, xã An Lục Long đã thành lập chốt trên đường tỉnh 827C và Long Trì lập chốt trên đường Thanh Niên - Cầu Đôi nhằm kiểm soát vận chuyển và kiểm tra vệ sinh thú y đối với heo và các sản phẩm từ heo.

img

Cho đến thời điểm này, Long An vẫn chưa phát hiện DTHCP.

Nhằm tăng cường kiểm soát đối với các phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm từ heo, sở NT&PTNT tỉnh còn yêu cầu các huyện thành lập thêm một số chốt kiểm soát động vật trên các tuyến đường nối tiếp với các tỉnh, thành có dịch, kiên quyết không để heo và các sản phẩm từ heo không có đủ giấy tờ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc và kiểm dịch nhập vào địa bàn tỉnh.

Hiện, cả nước có 58 tỉnh, thành xuất hiện DTHCP, với hơn 2,3 triệu con heo đã bị thiêu hủy. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 11/13 tỉnh, thành xảy ra DTHCP.