Không hiểu những nông dân này có ký hợp đồng với nhà máy không? Nếu họ đã ký hợp đồng thì vì sao nhà máy lại không nhập mía cho họ?... Trông những nông dân ứa nước mắt ngay trên ruộng mía mà lòng chúng ta quặn đau.
Thu hoạch mía ở huyện Tân Châu, Tây Ninh. Ảnh: T.N.O
Nhiệm vụ khó khăn
Cần nhớ rằng, đã có thời, cây mía là cứu cánh cho hàng triệu nông dân trên cả nước. Trên cả nước, hàng chục nhà máy đường đã mọc lên, những vùng nguyên liệu mía rộng lớn đã được mở ra ở khắp nơi. Khẩu hiệu “1 triệu tấn đường” được nêu lên, các tỉnh đua nhau trồng mía. Thời điểm đó cũng có sai lầm là nhiều nơi đã vội nhập những nhà máy theo công nghệ cũ của Trung Quốc làm cho ngành mía đường một phen lao đao.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đã kịp uốn nắn. Thành công nhất của thời kỳ này là cây mía đã “giải cứu” nông dân ở nhiều vùng khó khăn khi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt, nước tưới khan hiếm, sản xuất manh mún, địa hình đồi núi xa xôi… Cây mía thành người bạn thân thiết với bà con. Ở nhiều nơi, mía đem tới nguồn thu nhập chính cho nông dân.
Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, ngành mía đường gặp nhiều trục trặc. Khó khăn lớn nhất phải kể tới là việc cạnh tranh giá cả với đường nhập lậu. Đường nhập lậu vào ta ồ ạt cả từ Trung Quốc, rồi Thái Lan, Campuchia. Giá đường lậu có khi chỉ bằng nửa giá đường sản xuất trong nước. Mà lượng đường nhập lậu lên tới hàng trăm nghìn tấn.
Nhưng vấn đề lớn nhất, theo tôi là phải xem xét tới cách làm của chúng ta. Mọi người đều biết, bầu Đức đưa quân qua Lào để trồng mía. Đến lúc thu hoạch, giá đường của bầu Đức cũng chỉ bằng một nửa giá đường của chúng ta. Vì sao vậy? Vì rằng, bầu Đức đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ông dùng giống tốt, kỹ thuật canh tác tiên tiến, cơ giới hóa trên toàn bộ khâu sản xuất… Trong lúc bà con mình khom lưng chặt từng cây mía thì bầu Đức dùng máy cắt.
Những vùng trồng mía không đủ sức vươn lên thì cần tổ chức cho bà con chuyển đổi sản xuất để không bị hụt hẫng khi thôi không trồng mía. Những vùng có đủ điều kiện thì phải quyết tâm đổi mới, đầu tư công nghệ cao, đưa giống tốt và cơ giới vào... |
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu: “…Hệ thống canh tác cần cơ giới hóa tất cả các khâu, tưới nước khoa học và bón phân cân đối để tạo ra sản phẩm chất lượng, chi phí sản xuất thấp”.
Ông yêu cầu năng suất mía phải đạt từ 50 - 60 tấn/ha lên 90 - 100 tấn/ha. Đó là một nhiệm vụ rất khó khăn mà ngành mía đường phải phấn đấu. Chúng ta phải đưa giá đường xuống dưới 10.000 đồng/kg. Đây là bài toán mà không phải vùng trồng mía nào ở ta cũng có thể làm được.
Tôi cũng đã đi hầu khắp các vùng trồng mía trên cả nước. Nhiều nơi điều kiện canh tác tốt, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, đất đai đủ sức để cơ giới hóa. Đó là những vùng mà chúng ta cần tập chung để đưa khoa học kỹ thuật vào. Thế nhưng cũng có những nơi mía được trồng theo kiểu gượng ép, không trồng được cây gì thì trồng mía. Diện tích này không nhỏ, nó có ở khắp nơi mà chủ yếu lại của các hộ nghèo, phân bố tản mạn, giao thông rất khó khăn…
Cây gai thay cây mía?
Vì vậy, chúng ta cần mạnh dạn quy hoạch lại các vùng trồng mía. Nơi nào hội tụ đủ các điều kiện tốt thì mới nên đầu tư để đưa năng suất và chất lượng của cây mía lên. Đây là việc chính của nông dân (còn việc chống bảo hộ và trợ giá là việc của các cơ quan chức năng). Tuy nhiên, bài toán khó cho bà con là: Nếu bỏ cây mía thì làm gì?
Trước hết, những người quản lý ngành mía đường không nên coi đây là việc bỏ chạy hay phá đám. Nếu cứ giữ những diện tích như thế, chính ngành mía đường lại gặp khó khăn. Vì vậy, hãy vui lòng cho bà con ở những vùng này chuyển đổi sản xuất sang những đối tượng mới.
Có một đối tượng mà chúng tôi cho rằng có thể thay thế cây mía ở những vùng mà mía cho thu nhập thấp, đó là cây gai. Cây gai không xa lạ gì với chúng ta. Ông cha ta thường tước vỏ gai để se sợi, bện thừng, lá của nó có thể dùng làm bánh gai. Cây gai thường chỉ cao 1 - 2m. Thế nhưng gần đây, Công ty An Phước phối hợp Viện Di truyền nông nghiệp du nhập và chọn tạo ra giống gai AP-1 có thể cao tới 3m. Giống gai này mọc khỏe, lớn nhanh, tỷ lệ sợi cao, thích ứng với điều kiện ở Việt Nam.
Họ đã cho trồng thử nghiệm ở Thanh Hóa, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ngãi và một số nơi khác cho kết quả rất tốt. Cây trồng một lần có thể lưu gốc tới 10 năm. Mỗi năm có thể thu 4 đến 5 đợt, ước tính thu được từ 100-120 triệu đồng/ha/năm.
Công ty An Phước lại sẵn sàng ký kết đảm bảo thu mua tất cả sản phẩm cho bà con. Tỉnh Thanh Hóa đã bố trí 12 huyện tham gia trồng cây gai cho công ty, tỉnh Sơn La cũng giao cho 3 huyện trồng thử nghiệm…
Chúng tôi cho rằng, những vùng trồng mía kém hiệu quả nên quan tâm tới cây gai mới này. Tốt nhất, bà con nên tổ chức tới tham quan, mắt thấy, tai nghe cụ thể các vườn gai đã trồng. Sau đó, ký kết với công ty để họ đảm bảo về kỹ thuật và việc tiêu thụ.
Trồng dổi lấy hạt, bán gỗ Ở các vùng đồi núi, chúng ta nên nghĩ tới việc đưa ra các loại cây cho hiệu quả cao vào canh tác như: Các loại cây có múi, chanh dây, mít, na, nhãn, vải, chuối, dứa… và gần đây là bơ và mắc ca. Rất nhiều gia đình đã giàu lên từ những loại cây này. Ban lãnh đạo Công ty An Phước và chuyên gia Nguyễn Lân Hùng đang kiểm tra vườn cây gai xanh tại huyện Văn Bàn (Lào Cai). Ảnh: A.P Tôi rất ngạc nhiên khi thấy cây dổi ăn quả lại đưa tới hiệu quả cực cao. Dổi là cây lâm nghiệp, có 2 loại: Dổi xanh thì hạt đắng không ăn được, còn loại dổi thứ 2 là dổi ăn quả. Loại này ta thu hoạch lấy hạt và phơi khô. Hiện nay, 1kg hạt khô có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng. Cây ghép nên chỉ sau 3 năm đã cho quả. Cây 4 tuổi có thể cho 4 - 5kg hạt/vụ, cây càng lâu năm càng cho nhiều quả. Cây dổi có thể cao tới 35m, mỗi m3 gỗ dổi có giá từ 30 - 35 triệu đồng. Dổi dễ trồng và dễ sống, mỗi nhà trồng thêm 10 cây dổi quanh nhà thì cũng đã có được một nguồn thu khá cao. Nếu ta trồng 1 đồi giống dổi ăn hạt thì… giàu to! Có lẽ còn rất nhiều loại cây bà con có thể xem xét để đưa vào trồng, tùy từng vùng ta quyết định trồng cây gì. Ngay cả vật nuôi cũng rất đa dạng và phong phú về đối tượng. Người ta đa xem xét việc đẩy mạnh đàn bò thay cho một phần đàn lợn, Vậy, những nơi mía không cho năng suất cao thì ta có thể chuyển sang trồng cỏ VA-06, cỏ voi, trồng ngô mật độ dày để làm thức ăn cho bò có được không? |