Anh Lâm Văn Thọ (SN 1972) làm phụ hồ. Chị Lý Tâm Như (SN 1979) tỉ mẩn bóc những vụn hạt điều bé tí. Vợ chồng họ gom từng đồng xu lẻ để thay phiên nhau đưa cô con gái Lý Thanh Hà (SN 2009) vào chữa trị tại Bệnh viện Mắt và Ung bướu TP.HCM hết ngày này qua tháng khác. Dù làm việc quần quật nhưng mấy năm nay gia đình anh chị vẫn không có tết và giấc mơ đến trường của bé Hà thì mù mịt như đôi mắt của em.
Sài Gòn nắng như đổ lửa. Chúng tôi ghé thăm căn phòng trọ nhỏ của vợ chồng anh Thọ, chị Như trên đường Phan Anh (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) khi bên ngoài sắc xuân vẫn còn tràn ngập từng dãy phố. Anh Thọ vắng nhà, chị Như thì đang lúi húi tắm cho bé Hà.
Ngoài chiếc tivi màu, trong phòng không có vật dụng nào đáng giá. Gặp chúng tôi, chị hỏi mà như thì thầm với chính mình: “Tết được về với cha mẹ chắc vui lắm. Mấy năm rồi nhà tui không có tết, có quê mà không được về”.
Ngoài giờ đi làm, anh Thọ luôn quấn quýt bên con |
Hai cảnh đời khốn khó
Chị Như người Sóc Trăng và là một cô gái Khmer có gương mặt hiền lành nhưng đượm buồn. Sinh ra trong một gia đình có đến 10 anh em nên đói, rách là chuyện bình thường đối với chị. Hồi bé, chị đi làm thuê riết thành quen. Lớn hơn một chút, chị khăn gói lên Sài Gòn với giấc mơ tìm một công việc ổn định để đời mình bớt khổ. Giọng chị trầm buồn: “Nhưng mà tui không biết chữ nên đi đâu rồi cũng nai lưng làm thuê thôi”.
Trò chuyện hồi lâu, chị ngỏ ý nhờ chúng tôi gọi điện để anh Thọ về. Hai vợ chồng có cái điện thoại, chị nhường anh mang theo mỗi khi ra đường. Vì không biết chữ nên hồ sơ bệnh án của bé Hà, chị mù tịt. Chị quen anh Thọ khi cả hai đang lặn lội làm thuê giữa Sài Gòn. Nhà anh có 7 anh em và cũng nghèo “rớt mồng tơi” như nhà chị.
Học đến lớp 8 thì anh nghỉ học. Rồi một mình anh lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai và đã làm qua đủ nghề nặng nhọc như phụ hồ, bốc vác... Gặp rồi đem lòng thương yêu chị Như, anh đã hình dung con đường trước mắt sẽ rất chông gai. Anh Thọ cười hiền: “Lỡ thương rồi, khó khăn mấy cũng chịu thôi”. Về sống với nhau từ năm 2006 nhưng hai vợ chồng chưa có hôn thú. Ngày ngày, anh theo công trình đi khắp nơi, chị oằn mình trong nhà xưởng.
Cuộc sống cứ thế đắp đổi qua ngày. Đến năm 2009, bé Hà chào đời trong niềm hạnh phúc khôn tả của đôi vợ chồng trẻ. Lúc đó, Hà bụ bẫm và đáng yêu như thiên thần. Nhưng từ khi bé được tròn tuổi thì tai họa bắt đầu ập đến. Cũng từ dạo đó, gia đình nhỏ của họ luôn trong tình trạng chao đảo vì sóng gió.
Dù bệnh tật nhưng Hà rất ham học và mong được đến trường |
Nỗi đau từ khối u quái ác
Chưa tròn 4 tuổi nhưng Thanh Hà đã phải trải qua một đợt phẫu thuật múc bỏ mắt phải và thêm 6 toa hóa chất để ngăn chặn sự phát triển của khối u võng mạc qua mắt trái. Anh Thọ cho biết: “Hồi trước, thấy cháu có biểu hiện đau mắt, mắt đỏ và nhìn kém, vợ chồng tui cứ nghĩ vậy rồi từ từ sẽ khỏi.
Sau này khi đi khám và bác sĩ kết luận cháu bị khối u võng mạc thì tui rụng rời hết cả tay chân. Tính ra, từ hồi Hà 2 tuổi đến nay, bệnh viện gần như trở thành ngôi nhà thứ hai của vợ chồng tui. Lúc nào tui cũng trong tình trạng sẵn sàng xách chiếu, mùng, mền đi bệnh viện”. Ngồi cạnh chồng, chị Như trầm ngâm: “Nghe đâu bệnh này do di truyền và rất nguy hiểm đến tính mạng. Ngày nào tui cũng nơm nớp lo và chẳng dám sinh thêm cháu thứ hai. Phần vì sợ cháu cũng mang bệnh như chị, phần khác là muốn dành hết tình thương, sự quan tâm cho Hà”.
Anh Thọ làm phụ hồ được chừng 150.000 đồng/ngày. Công việc của anh không ổn định và có nhiều may rủi. Lắm khi, anh Thọ thất nghiệp gần cả tháng. Chị Như ngày trước làm công nhân nhưng đã mất việc vì công ty tạm ngưng hoạt động. Gần đây, chị nhận hạt điều về nhà làm. Ngày nào cũng vậy, hết quần quật lo cơm, nước, chợ búa đến tắm giặt cho con, chị lại gập người bên thúng hạt điều.
Mấy cái tết vừa qua, vợ chồng chị ngồi trong gác trọ nhìn mọi người hồ hởi thu dọn hành lý về quê mà xót lòng. Dù tằn tiện mấy thì cái ăn trong nhà vẫn thiếu trước hụt sau, lại thêm tiền thuê phòng, điện nước hơn cả triệu đồng mỗi tháng, còn nói chi đến tiền chữa bệnh cho con và đi chơi, mua sắm. Anh Thọ bộc bạch: “Hà còn phải trải qua rất nhiều đợt xạ trị tại Bệnh viện Mắt TP.HCM với chi phí 4 triệu đồng/tia. Tui sợ mình mất việc, sợ không có tiền chữa bệnh tiếp cho con thì mắt trái của nó biết sẽ ra sao…”.
Gương mặt sạm đen vì mưa nắng của người đàn ông miền Tây thoáng chút thảng thốt khi nghe vợ nói với chúng tôi: “Thiệt tình, giờ vợ chồng tui chỉ biết kiếm gạo qua ngày vậy thôi. Kiệt quệ rồi. Bệnh của con thì còn phải điều trị lâu lắm. Nhớ những lần vô hóa chất, tóc Hà rụng hết, nhìn thương vô cùng. Nếu mình hết khả năng xạ trị cho con, nó có bề gì thì tui biết sống làm sao”.
Bé Hà thích đi học và mơ ước làm cô giáo. Bé thông minh, hiếu động và rất ngoan ngoãn nên ai gặp cũng thương. Gần đây, Hà còn xin ba mua cho cuốn tập, cây bút, hộp màu để tập viết. Những con chữ tuy còn nguệch ngoạc nhưng là cả một sự nỗ lực lớn của Hà. Anh Thọ tâm sự: “Hà đã ý thức được mình không giống các bạn xung quanh. Thi thoảng, con bé hỏi những câu như xát muối vào lòng tui vậy: Sao con có một con mắt? Con có được đi học không?”. Một việc tưởng chừng rất bình thường và hiển nhiên của một đứa trẻ là lớn lên được đi học thì với Hà lại là cả một hành trình gian khó.