Mới đây theo tính toán của một hãng tin tài chính lớn trên thế giới cho thấy, từ nay đến năm 2017, Vinashin (VNS) sẽ phải thanh toán số tiền 16,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu và các khoản vay đáo hạn.
Tính đến tháng 6-2010, “con tàu” Vinashin vẫn còn nợ 86.000 tỷ đồng |
Hãng này cho biết, theo nhận định các khoản vay dành cho các doanh nghiệp quốc doanh nói chung hiện có thể chiếm tới 40% dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong đó khoản nợ của VNS có thể chiếm tới 3% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng Việt Nam.
Bình luận xung quanh các khoản nợ của VNS liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hệ thống ngân hàng nói chung và hậu quả của nó trên từng khoản vay nói riêng bà Dương Thu Hương - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng: Chính phủ đang tái cơ cấu VNS thì cũng sẽ phải giúp VNS trả được nợ. Đứng riêng ở góc độ nghiệp vụ chuyên môn của ngân hàng thì VNS chưa phải là khách hàng phá sản, không những thế lại đang có giao dịch với ngân hàng. Giải pháp cho những trường hợp này chỉ có thể là hoãn, giãn nợ, và sau đó có thể là bán nợ nếu có đơn vị đứng ra mua lại.
"Nếu diễn biến xấu, một khi doanh nghiệp phá sản, không còn tồn tại thì bản thân các ngân hàng sẽ phải huy động quỹ dự phòng rủi ro để bù đắp. Tất nhiên với trường hợp VNS thì đây là một khoản rủi ro khổng lồ đối với các ngân hàng" - bà Hương nói.
"Tình hình này diễn ra ở Việt Nam tương đối phổ biến, NHNN và Chính phủ cũng đã giải quyết rất nhiều trường hợp sau quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước từ 6.000 DN nay xuống còn hơn 1.000 DN. Chỉ khác đây là một cuộc sắp xếp nợ của một doanh nghiệp nhà nước lớn nhất từ trước đến nay mà thôi!" - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh.
Bày tỏ thêm quan điểm lo ngại về các khoản nợ khổng lồ của VNS sẽ khó có thể "tái cơ cấu" bà Hương cho biết: "Tôi chỉ muốn khẳng định rằng Nhà nước, Chính phủ đã rất có kinh nghiệm trong việc giải quyết khó khăn này".
Hương Thuỷ