Dân Việt

Con tôm đã làm nên chuyện ở đất chín rồng

Trần Đáng 18/06/2019 13:50 GMT+7
Tại Diễn đàn “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại ĐBSCL” do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM ngày 18/6, có ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản đã mang lại hiệu quả nhiều mặt.

“Nên chậm lại, đừng vội vàng, đừng gây áp lực cho Chính phủ. Nghị quyết 120 là một món ngon, nên phải làm cẩn thận, chậm mà chắc, nếu không ĐBSCL mất cơ hội” - chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Hữu Thiện nhận định.

img

Nhiều đại diện, diễn giả trong-ngoài nước đã đến tham dự Hội thảo tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL ngày 18/6.

Có tiến bộ nhưng… chậm

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, trong 2 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL, Bộ NNPTNT đã chủ động vào cuộc một cách quyết liệt, thực hiện 4 nhiệm vụ lớn: Xây dựng chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL; rà soát quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai; xây dựng và triển khai đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng và triển khai chương trình giống chủ lực ĐBSCL.

“Hiện nay, Bộ đang tham gia và triển khai các chính sách, chương trình, dự án lớn để thúc đẩy nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL” - ông Doanh cho biết.

Cũng theo Bộ NNPTNT, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đã có những thay đổi mạnh mẽ, từng bước thích ứng với BĐKH. Các địa phương ở khu vực ĐBSCL đã giảm khoảng 40.000ha đất lúa chuyển sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn trái, xuất hiện nhiều mô hình canh tác nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH theo hướng “thuận thiên”, như mô hình lúa-tôm (Kiên Giang, Bạc Liêu), tôm-rừng sinh thái ở ven biển (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng), mô hình trồng dưa thích ứng với xâm ngập mặn (Hậu Giang),...

img

Mô hình tôm-lúa đang phát huy hiệu quả rất tốt ở ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo GS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, nhìn chung việc chuyển lúa qua nuôi trồng các cây, con khác mới chỉ thành công với con tôm. Các loại hoa màu, cây ăn trái hiệu quả còn hạn chế. “Tôi vừa đi theo đoàn khảo sát 13 tỉnh, thành ĐBSCL thấy thực tế là như vậy” - ông Bổng chia sẻ.

Diện tích nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL khoảng 669.000ha (chiếm 92,9% diện tích cả nước). Toàn vùng có 1.278 cơ sở sản xuất tôm giống, đáp ứng được 48,3% nhu cầu thả nuôi.

GS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, 2 năm triển khai Nghị quyết 120, bên cạnh những mặt làm được, việc tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL diễn ra vẫn khá chậm, hiệu quả chưa cao.

Đồng bộ hóa…

Một trong những nguyên nhân khiến Nghị quyết 120 chưa hoạt động “trơn tru”, hiệu quả, theo nhiều đại biểu là do sự hợp tác giữa các bộ, ngành, cho đến địa phương và người dân còn… so le.

img

ông Martijn Van De Groep phát biểu tại hội thảo.

Ông Thiện phân tích, việc thực hiện Nghị quyết 120 đang gặp phải 3 nút thắt, đó là: Tư duy, chính sách và “mặt đất”.

“Về tư duy đang có sự chênh lệch giữa tư duy làm nông nghiệp cũ với tư duy tiến bộ của Nghị quyết 120. Hiện vẫn chưa đồng bộ chính sách để triển khai. Riêng đối với nút thắt “mặt đất”, vẫn chưa ổn định được tâm lý của nông dân khi chuyển đổi mục tiêu sản xuất” - ông Thiện phân tích. Vì vậy, ông Thiện cho rằng, Chính phủ nên cho triển khai chậm mà chắc Nghị quyết 120.  

Ở khía cạnh xây dựng chuỗi liên kết, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) đánh giá, do thiếu tổ chức nên nông dân, tổ hợp tác, HTX còn lỏng lẻo khiến cho kế hoạch sản xuất và tiêu thụ không gặp nhau. Đây là nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp bị giảm sút.

Theo ông Martijn Van De Groep, chuyên gia quốc gia về chuyển đổi nông nghiệp Hà Lan, quốc gia đang hỗ trợ Việt Nam ứng phó với BĐKH, để đạt mục tiêu dài hạn của Nghị quyết 120, rất cần thiết để chuyển đổi chuỗi giá trị nông sản nông nghiệp rộng lớn và xuyên suốt trên đồng bằng, từ tiền sản xuất đến thị trường, bao gồm các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và các thỏa thuận. Quy mô của quá trình này kéo dài nhiều năm và phức tạp.

img

Chuyển từ đất lúa sang trồng cây ăn trái vẫn chưa đem lại hiệu quả ở vùng ĐBSCL.

Cũng theo chuyên gia nông nghiệp này, phải cải cách chính sách trên diện rộng, trong đó bao gồm các mối quan tâm và các thành viên liên quan.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng giai đoạn triển khai của chương trình chuyển đổi nông nghiệp vùng ĐBSCL không phải là hoạt động song phương. Chúng ta chỉ có thể thành công nếu cam kết làm việc với tất cả các bên liên quan để tạo nên sự hợp tác để thúc đẩy và xúc tác quá trình chuyển đổi nông nghiệp đang theo đuổi”, ông Martijn Van De Groep nêu quan điểm.