Dân Việt

Thoát án tử ung thư, nhà thầu xây dựng bỏ phố về quê nuôi ruồi lính đen

Đang có công việc tốt, cả Cảnh và ông Tuấn quyết định bỏ ngang công việc đang làm để khởi nghiệp với mô hình nuôi ruồi lính đen.

14 năm trước, khi được “tử thần” buông tay sau khi mắc bệnh ung thư đại tràng, ông Viên Châu Tuấn (63 tuổi, Củ Chi, TPHCM), quyết định bỏ công việc đang “hái ra tiền” để mày mò phát triển theo mô hình nông nghiệp hữu cơ.

“Tôi từng là nhà thầy xây dựng, nhưng khi bản thân bị ung thư và chứng kiến cảnh đau đớn của những người mắc bệnh này mới thấm thía hết được nỗi đau. Người ta nói "bệnh vào đường miệng", tôi tìm đến nông nghiệp hữu cơ vì muốn tránh xa hóa chất”, ông Tuấn nói.

Sau khi thử nuôi nhiều loại từ tắc kè, rắn, mối… ông Tuấn nuôi thử ruồi lính đen, thấy việc nuôi khá đơn giản, hiệu quả kinh tế lại cao ông đã đầu tư một mô hình lớn để phát triển.

“Nhộng của ruồi lính đen có thể xử lý chất thải rất tốt, các loại rác hữu cơ, khi đi qua đường ruột thì 90-95% vi trùng độc hại đã được xử lý hết”, ông Tuấn thông tin và cho rằng, loại côn trùng này có sẵn enzym quý nên không phải sử dụng kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong quá trình phát triển.

img

Phát triển mô hình nuôi ruồi lính đen được hai năm ông Tuấn hiện đã có một trang trại khá lớn, cho thu hoạch 3-5kg trứng/ngày.

Hiện ông Tuấn có một số dự án lớn về xử lý rác thải của các nhà máy, trong đó, nhộng ruồi được bán cho khu công nghiệp xử lý chất thải của các nhà máy chế biến thủy sản. Những chất thải này sau khi đi qua ruột nhộng ruồi lính đen sẽ thành phân hữu cơ dùng trong nông nghiệp có giá trị cao gấp 2-3 lần so với phân trùn quế.

Sau 2 năm gầy dựng, hiện trang trại tại Củ Chi của ông Tuấn thu về 3-5kg trứng/ngày. Ông cũng đang kết nối với các đối tác nước ngoài để có thể xuất khẩu trứng ruồi và nhộng sấy khô.

Nằm sâu trong mảnh vườn cao su, một mô hình nuôi trồng tạm bợ được rào chắn kỹ bởi những những chiếc lưới mùng. Bên trong, hàng triệu con ruồi lính đen bay chi chít, còn bên ngoài một khu đất dài được dựng lều để cấy trứng, nuôi nhộng.

Chủ nhân của mô hình này là anh Nguyễn Chí Cảnh (28 tuổi) sinh ra ở Quảng Ngãi. Cảnh từng là kiến trúc sư nhưng với mong muốn tìm kiếm một công việc có thể tự do về thời gian và gần gũi với thiên nhiên, Cảnh lấn sân vào các mô hình nông nghiệp.

Cách đây 6 tháng, trong một lần xuống Vĩnh Long thăm trại của người quen, thấy họ nuôi ruồi lính đen Cảnh nảy sinh ý tưởng startup với mô hình này.

Nói là làm, ngay khi về TPHCM, Cảnh thuê muột khu rừng cao su lớn ở huyện Củ Chi, tìm kiếm các nguồn giống (trứng) có sẵn để nhân ra.

img

Bỏ công việc của một Kiến trúc sư, Cảnh chọn khởi nghiệp với nghề nông.

Tuy nhiên, thời gian đầu do chưa nắm được kỹ thuật nên dù được đánh giá là loại côn trùng dễ nuôi nhưng Cảnh không ít lần phải đối mặt với thất bại.

Trong lần đầu tiên, vốn liếng không nhiều, phải bỏ tiền ra mua trứng về ấp (ấp cho trứng nở) để nhân giống. Nhưng vì chưa nắm rõ kỹ thuật, làm trứng ướt hết nên tất cả hư hết.

Lần khác, khi đã biết cách ấp trứng, cậu lại nuôi ruồi lính đen với mật độ quá dày. Nóng, số ruồi nhân được lại chết gần hết. Lúc không có tiền mua thức ăn cho ruồi, tận dụng rau củ quả bị hư dập của các tiểu thương ngoài chợ

Cũng không ít lần, đàn sâu (phát triển từ nhộng ruồi) của Cảnh “tắc tử”. Vì không có tiền mua thức ăn chăn nuôi, Cảnh ra chợ xin các tiểu thương số rau - củ - quả hư hỏng bị bỏ lại mang về cho ruồi ăn, không may sâu ruồi ăn vào rồi lần lượt chết hết.

“Tự mày mò tìm hiểu nên nhiều lúc nó không như mình mong muốn, không ít lần trứng bị hư, ruồi bị chết. Cứ như thế mình phải phá đi, xây lại. Buồn và tiếc tiền lắm”, Cảnh chia sẻ.

Cảnh cho biết, không như ruồi nhà, ruồi lính đen rất có ích cho môi trường và giá trị kinh tế rất cao. Có thể thu bán ở nhiều giai đoạn phát triển của ruồi như bán trứng, nhộng - đây là một loại thức ăn bổ sung đạm rất tốt cho các loại vật nuôi.

Nhộng của ruồi lính đen còn được sử dụng để xử lý rác thải hữu cơ, phân giải rác thải hữu cơ thành phân (dùng trong nông nghiệp).

Đặc biệt giá trị thương phẩm của trứng ruồi hiện rất cao, dao động từ 25-30 triệu đồng/kg.

Hiện tại, dù quy mô còn khá nhỏ, mỗi ngày mới thu được khoảng 200gr trứng nhưng Cảnh rất lạc quan với mô hình mà mình theo đuổi. Mỗi tháng Cảnh thu được khoảng 5kg trứng với doanh thu hơn 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí hiện thu nhập của Cảnh khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Cảnh cho rằng, dù còn khá mới nhưng mô hình nuôi ruồi lính đen lại rất có tiềm năng. Số lượng trứng và nhộng sấy khô không đủ cung cấp nhu cầu thu mua của các đầu mối. Trong tương lai, Cảnh cho biết sẽ lên kế hoạch phát triển chi tiết để có thể tìm kiếm vốn đầu tư.