Dân Việt

Giải mật vụ ám sát chấn động nhất thế giới năm 1979

Bình Đức 19/06/2019 20:32 GMT+7
Mặc dù Mỹ là quốc gia có lực lượng đặc biệt số 1 thế giới nhưng chiến công hiển hách nhất lại thuộc về đội Spetsnaz của Liên Xô (Nga).

Ngày 27/12/1979, cả thế giới gần như bị chấn động trước thông tin Tổng thống thân Mỹ Afghanistan lúc đó là Hafizullah Amin đã bị ám sát trong một chiến dịch đột kích của lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz GRU của Liên Xô (Nga ngày nay). Lực lượng bảo vệ cho ông Amin khoảng từ 100-150 lính đều bị tiêu diệt.

Số phận bi thảm của một Tổng thống thân Mỹ

Năm 1978, một cuộc đảo chính lớn đã xảy ra tại Afghanistan dẫn đến việc Đảng Dân chủ nhân dân Afghanistan (PDPA) lên nắm quyền bắt đầu làm thay đổi cơ bản xã hội Afghanistan, các phong trào phản đối chính phủ bắt đầu lan rộng. Đến tháng 9/1979, quốc gia Nam Á này lại xảy ra một biến cố chính trị khác, thủ tướng chính phủ lúc đó là Hafizullah Amin đã tiến hành chiến dịch phế truất quyền lực của Tổng thống Taraki để lên nắm quyền điều hành đất nước.

img

Tổng thống Amin (người ngồi trước micro) đã trở thành nạn nhân trong cuộc chơi địa chính trị giữa Mỹ-Xô những năm chiến tranh Lạnh.

Amin bắt đầu thực hiện các chính sách thân Mỹ và tiến hành đàn áp phong trào cách mạng ở Afghanistan. Các chính sách mới của Amin đã đe dọa sự an toàn biên giới của Liên Xô, bên cạnh đó phong trào Hồi giáo Mujahideen được sự hậu thuẫn của Mỹ đã gia tăng các hoạt động chống lại lực lượng Liên Xô tại Afghanistan.

Trước tình hình đó, giới lãnh đạo Liên Xô đã quyết định loại bỏ sự cầm quyền của Amin và thay vào đó là một người khác thân Liên Xô hơn và loại bỏ sự hiện diện của Mỹ tại quốc gia Nam Á này đang có nguy cơ đe dọa đối với an ninh Liên Xô. Chiến dịch loại bỏ Tổng thống Amin mang mật danh “Storm-333” chính thức được khởi động.

Để chuẩn bị cho chiến dịch này, một nhóm điệp viên KGB của Liên Xô đã được điều động đến Thủ đô Kabul của Afghanistan để nghiên cứu tình hình. Họ núp bóng dưới các nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Liên Xô ở Kabul cũng như các cơ quan ngoại giao khác.

Lực lượng triển khai hành động bao gồm 2 đơn vị tinh nhuệ Alpha, Vympel của lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz GRU (mỗi đơn vị khoảng 20 người), 30 người từ một nhóm biệt kích Zenith của KGB, 520 người thuộc đơn vị Spetsnaz 154 trực thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô còn gọi là “Tiểu đoàn Hồi giáo” cùng 87 binh sĩ khác từ Trung đoàn dù 345.

Các đơn vị hỗ trợ vòng ngoài không được trang bị mũ bảo vệ và áo chống đạn chuyên dụng, các đơn vị đột kích hành động chính của KGB và Spetsnaz GRU được trang bị áo chống đạn và mũ bảo vệ chuyên dụng trong khi đó lực lượng bảo vệ của Tổng thống Amin chỉ được trang bị súng tiểu liên không có khả năng xuyên giáp.

img

Cung điện Tajbeg nơi diễn ra cuộc đột kích của Spetsnaz ám sát thành công Tổng thống Amin của Afghanistan vào năm 1979.

Họ được đưa vào Kabul núp bóng dưới các đơn vị Quân đội Afghanistan nên lực lượng an ninh sở tại vẫn không hề hay biết gì cho đến khi tiếng súng tấn công được lệnh khai hỏa.

Không tin Liên Xô sẽ tấn công

Trước khi chiến dịch Storm-333 được tiến hành, Tổng thống Amin vẫn nghiễm nhiên tin rằng mình được sự hỗ trợ của Liên Xô. Trước đó khi “thanh trừng” cựu Tổng thống Taraki, Amin đã hỏi ý kiến Liên Xô về việc có kết liễu cuộc sống của ông Taraki hay không và Liên Xô đã trả lời “tùy quyền quyết định của ông”.

Sự kiện đó đã  khiến Amin tin rằng mình được Liên Xô hỗ trợ mà không hề hay biết rằng họng súng của Spetsnaz GRU đang hướng về phía ông ta. 15h ngày 27/12/1979, Spetsnaz GRU bắt đầu nổ súng tấn công vào cung điện Tajbeg nơi sinh sống và làm việc của Tổng thống Amin. Các trợ thủ của ông đã thông báo rằng Liên Xô bắt đầu tấn công nhưng ông ta không hề tin và khẳng định rằng “Liên Xô sẽ giúp chúng ta”. Ông cho rằng lời nói của các trợ thủ là “một sự giả dối”.

Chỉ đến khi ông ta không thể liên lạc được với người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu Quân đội Afghanistan cùng với những tiếng súng chát chúa bên trong cung điện mới tin rằng đó là sự thật. Dẫn đầu cuộc tấn công là 2 đơn vị đặc biệt tinh nhuệ Alpha và Vympel, trong đó nhóm Alpha có nhiệm vụ tiêu diệt Tổng thống Amin cùng các vệ sĩ của ông ta, nhóm Vympel thu thập tài liệu và bằng chứng về quá trình hợp tác của Amin với Washington.

img

Một nhóm Spetsnaz của Liên Xô đang ém quân tại một vị trí bí mật trước giờ G.

Với sức mạnh áp đảo và kinh nghiệm chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ, 150 vệ sĩ của Tổng thống Amin nhanh chóng bị vô hiệu hóa, Tổng thống Amin bị bắn chết trong cuộc tấn công, con trai ông bị trọng thương và chết sau đó, người con gái cũng bị thương nhưng đã may mắn thoát chết.

Sau cuộc tấn công này, dinh tổng thống, tòa nhà của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Nội Vụ Afghanistan đều bị lực lượng Liên Xô nắm giữ. Không lâu sau đó, Babrak Karmal đã được Liên Xô đưa lên làm Tổng thống Afghanistan.

Tranh cãi về thiệt hại

Con số thiệt hại của Liên Xô trong chiến dịch Storm-333 không thực sự rõ ràng, trong hồ sơ lưu trữ Mitrokhin của tác giả Vasili Mitrokhin (một cựu điệp viên của KGB) cho rằng có khoảng 100 binh sĩ của KGB đã thiệt mạng trước khi tiến vào được bên trong cung điện Tajbeg và bắn chết Tổng thống Amin.

Trong khi đó nhà sử học Christopher Andrew thuộc Đại học Cambridge, Anh không đồng tình với con số thiệt hại này, ông cho rằng, con số thiệt hại của Liên Xô còn nhiều hơn thế bao gồm cả những người bị thương và có thể chết sau đó.

Còn các nguồn tin công khai của Liên Xô lúc đó cho rằng con số thiệt mạng của họ chỉ khoảng 20 người trong đó có 5 người thuộc KGB, 6 người từ Tiểu đoàn Hồi giáo cùng 9 người khác. Chỉ huy chiến dịch Đại tá Boyarinov bị chết trong lúc làm nhiệm vụ.

Trong khi đó, theo Oleg Balashov chỉ huy thứ 2 của nhóm tấn công đã tiến hành một cuộc khảo sát khu vực cung điện Tajbeg và cảm thấy rằng đây là một khu vực đầy chết chóc. Thực tế có đến 80% đơn vị của ông bị thương trong lúc hành động, nếu không được trang bị áo giáp và mũ chống đạn chuyện dụng thì thiệt hại còn lớn hơn.

Tuy nhiên, một nhóm cựu chiến binh của đội Alpha đã tham gia trong chiến dịch này gọi đây là “chiến dịch thành công nhất lịch sử của đội Alpha” - Chiến dịch Storm-333 được xem là chiến dịch ám sát người đứng đầu quốc gia duy nhất được thực hiện bởi một nhóm biệt kích nước ngoài trong thời gian chiến tranh lạnh.