Iceland tiếp tục giữ vững vị trí số 1 với tư cách là quốc gia yên bình nhất thế giới.
Theo Daily Mail, Global Peace Index đánh giá thế giới nói chung có dấu hiệu “yên bình hơn” sau 5 năm, nhưng mức tăng không đáng kể.
Afghanistan xếp cuối bảng xếp hạng, đứng sau cả Syria. Những quốc gia xếp cuối khác bao gồm Nam Sudan, Yemen và Iraq.
Global Peace Index đánh giá mức độ yên bình của 163 quốc gia trên thế giới với nhiều tiêu chí khác nhau, bao gồm cả mức chi tiêu quân sự, số người chết vì xung đột và khủng bố, cũng như chi phí kinh tế vì tình trạng bạo lực.
Iceland tiếp tục là quốc gia yên bình nhất thế giới trong năm nay, nhờ tỉ lệ giết người không ngừng giảm và quốc gia này cũng tăng mức tiền chi cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Việt Nam xếp thứ 57 trong bảng xếp hạng các quốc gia yên bình trên thế giới năm 2019, tăng 5 hạng so với năm ngoái. Nguồn: Global Peace Index 2019.
“Cấu trúc yên bình bền vững của Iceland tiếp tục được duy trì trước những cú sốc nhỏ trong vấn đề nội bộ”, báo cáo viết.
New Zealand xếp thứ hai với vụ việc đáng lưu tâm nhất cho đến nay là vụ xả súng nhằm và nhà thờ Christchurch khiến hàng chục người thiệt mạng. New Zealand vẫn xếp hạng cao nhờ vào ghi điểm ở các hạng mục khác và cách quốc gia này đối phó với thảm họa.
Bồ Đào Nha và Áo lần lượt xếp thứ ba và thứ tư, với chiều hướng bạo lực gia tăng. Đan Mạch xếp thứ 5 trong khi các quốc gia châu Âu thống trị những top đầu.
“Châu Âu tiếp tục là khu vực bình yên nhất thế giới với tỉ lệ có phần tăng nhẹ, sau nhiều năm bất ổn”, báo cáo viết.
Nhật Bản đạt thứ hạng khá cao trong số các cường quốc thế giới, xếp thứ 9. Đức xếp thứ 22, Anh xếp thứ 45 và Pháp xếp thứ 60, trong khi Mỹ tụt xuống vị trí 128.
Việt Nam xếp ở bậc 2 trong số 5 bậc đánh giá các quốc gia yên bình trên thế giới.
Global Peace Index đánh giá Việt Nam xếp ở vị trí 57, tăng 5 bậc so với năm 2018. Việt Nam cũng lọt vào 1 trong 10 nước trên thế giới hoàn toàn không có xung đột trong và ngoài nước, theo báo cáo năm 2016.
Báo cáo Global Peace Index nhắc đến những bất ổn gia tăng trong nội bộ nước Mỹ và các vấn đề đối ngoại như với Iran. Báo cáo đánh giá Nga ở vị trí khá thấp, xếp thứ 154 và còn kém cả Triều Tiên.
“Mặc dù có dấu hiệu tiến triển nhưng thế giới vẫn chưa bình yên bằng mức cách đây một thập kỷ”, báo cáo viết. “Yếu tố chính là do hoạt động khủng bố gia tăng, xung đột ở Trung Đông leo thang và căng thẳng khu vực ở Đông Âu, Đông Bắc Á”.
Thế giới năm nay được đánh giá yên bình hơn chủ yếu nhờ vào việc 72 quốc gia giảm chi tiêu quân sự.
Quốc gia nghèo thứ hai Nam Mỹ đang rơi vào tình huống sắp vọt lên giàu nhất trong khu vực, thậm chí là cả thế giới.