Dân Việt

Bịt khẩu trang làm giàu chẳng giống ai vậy mà vẫn lời 350 triệu/năm

Hồng Nga 20/06/2019 19:30 GMT+7
Gần 3 năm nay, anh Trần Văn Anh, sinh năm 1983, ngụ ấp Hòa Cường, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) không còn tốn nhiều chi phí mua phân bón hóa học để bón cho các cây ăn trái như những năm trước. Thay vào đó, anh đã chuyển sang sử dụng phân cá ủ để bón trên vườn cây ăn trái của mình.

Từ cách làm mới

Năm 2015, anh Anh mua 7 ha đất tại ấp Hòa Phú - khu vực gần hồ Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương để trồng cây ăn trái. Từ kinh nghiệm trồng cây ăn trái của ba anh là ông Trần Văn Xộp - nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh, và kiến thức tự học hỏi từ sách báo, anh Anh đã nghĩ ra phương pháp ủ cá để làm phân bón.

img

Công nhân làm việc cho gia đình anh Trần Văn Anh chuẩn bị lấy phân bón được ủ từ cá tưới tiêu cho vườn cây ăn trái

Hiện nay, vườn cây ăn quả của anh có 300 gốc bưởi da xanh, 600 gốc quýt đường và 100 gốc nhãn xuồng. Hàng ngày, gia đình anh bắt và thu gom được 30kg cá ở hồ Dầu Tiếng để dùng làm phân ủ. Phân bón cho cây bưởi, quýt, nhãn được anh làm từ cá tươi, ủ với các chế phẩm sinh học.

Theo anh Anh, chi phí từ việc ủ cá làm phân thấp hơn 40% chi phí đầu tư các loại phân bón khác, chưa nói đến việc mua phân kém chất lượng, hàng giả. Ưu điểm của đạm cá hữu cơ giúp cho cây trồng hấp thu và chuyển hóa thành dinh dưỡng; người trồng có thể tới gốc cây phun lên lá.

Không phải ai làm nghề trồng cây ăn quả cũng biết cách ủ cá làm phân như anh Anh, vì mọi người vẫn quan niệm phân bón là dùng phân vô cơ, hữu cơ mới tốt.

Anh chia sẻ: “Lúc đầu, thấy tôi làm như vậy ai cũng bảo hâm, cá không có mà ăn lại đem ủ phân bón cho cây ăn trái. Nhưng tôi ủ cá làm phân không phải chỉ có cá mà tôi còn mua thêm nhiều loại men vi sinh phân hủy trộn lẫn để ủ cá. Nhờ thế chất lượng phân rất tốt, mà cây cũng dễ hấp thu”.

Hiệu quả kinh tế cao với cách làm giàu chẳng giống ai

Anh cho hay, khi nước lòng hồ Dầu Tiếng dâng cao, các loại cá nhỏ được bà con đánh bắt rất nhiều, bán rất rẻ, thậm chí có ngày gia đình anh còn kéo vó được gần 50kg. Cá được anh cho vào thùng lớn trộn với men vi sinh của Viện Khoa học công nghệ xanh.

Đây là loại chế phẩm sinh học có chứa nhiều vi sinh vật có tác dụng phân hủy xác, bã hữu cơ và khử mùi hôi, sau đó trộn với trái thơm chín xay nhuyễn với nước rồi ủ; thời gian ủ khoảng 60 ngày thì bón cho cây. Cách làm này không mới với bà con vùng trồng cây ăn quả lớn nhưng lại rất mới với bà con nông dân của các vùng quê Dầu Tiếng.

Cách bón phân cá cho cây ăn trái của anh Anh được đánh giá có tính khoa học cao, bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây. Vì thế, 3 năm gần đây năm nào vườn bưởi, quýt và nhãn của anh cũng trĩu quả. Trung bình mỗi năm, vườn bưởi, quýt mang lại cho gia đình anh thu nhập trên 500 triệu đồng.

Bưởi da xanh hiện anh bán với giá trung bình 40.000 đồng/kg, quýt đường từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; riêng nhãn xuồng giá 35.000 đồng/ kg cho thu nhập bình quân 350 triệu đồng/vụ/năm.

Nhờ sự nỗ lực, chịu khó tìm tòi học hỏi, anh Anh đã từng bước khẳng định con đường đi của mình bằng việc sản xuất đạm cá hữu cơ - loại phân bón sạch cho cây trồng. Không ngại vất vả, anh đang ấp ủ hoài bão trong tương lai sẽ xây dựng cơ sở sản xuất đạm cá và cung cấp ra thị trường.

Hiện nay, việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt giúp người nông dân làm giàu ngay chính trên mảnh vườn của mình là rất cần thiết trong quá trình thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Do đó, mô hình ủ phân đạm của anh Trần Văn Anh cần được khuyến khích nhân rộng, góp phần giúp người nông dân tăng lợi nhuận kinh tế gia đình. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết phế phẩm nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường, cùng địa phương thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.