Dân Việt

Giải mật chiến dịch “kiểm soát não người” của Mỹ-Xô: Ác mộng trị giá tỷ đô

PV 24/06/2019 08:31 GMT+7
Cuộc chạy đua đưa người lên Mặt Trăng rõ là chưa đủ với cả hai cường quốc Mỹ và Liên Xô, họ bắt đầu tham gia chiến dịch "kiểm soát não người".

Trong những câu chuyện thần thoại và cổ tích của các nước vùng Slavơ, thường xuyên xuất hiện những nhân vật như ’Baba Yaga’, ’Thần chết Koshei’, ’Zmey Gorynych’- những nhân vật đã đi vào tiểu thuyết, phim ảnh, và cả văn hóa trong ngôn ngữ thông thường hàng ngày.

Chính quyền Liên Xô đã để ý đến một số nhân vật lạ thường giống như trong truyện cổ tích lúc bấy giờ có khả năng "đọc được" ý nghĩ con người và kiểm soát tâm trí người khác từ xa khi đó.

Những người nói trên được gọi là "những nhà ngoại cảm". Những người này có tầm ảnh hưởng nhất là vào cuối thời kỳ chế độ Sa hoàng, sau đó những biến cố trong xã hội Liên Xô khiến họ một thời gian dài, bị xã hội coi là các "thầy phù thủy" và không được coi là những người có công việc bình thường trong cộng đồng lúc bấy giờ.

Sau chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, người ta đồn rằng Liên Xô đã lấy được nhiều tài liệu quan trọng về các hiện tượng khoa học huyền bí nói trên ở một lâu đài gần Altai của Đức. Trước hết các tài liệu đơn thuần chỉ nói về hiện tượng "kiểm soát não" của con người, nhưng cuối cùng một số tài liệu chỉ ra rằng Đức Quốc xã đã định sử dụng phương pháp này cho chiến tranh.

Cuộc so găng 'kiểm soát não người' của Mỹ-Xô thời Chiến tranh Lạnh

Cuộc Chiến tranh Lạnh sớm diễn ra, cả Liên Xô và Mỹ đều dồn sức vào những ý tưởng kỳ lạ, chưa từng có bao giờ. Cuộc chạy đua đưa người lên Mặt Trăng rõ là chưa đủ với cả hai cường quốc, họ bắt đầu tham gia vào "kiểm soát trí não người".

Kiểm soát tâm trí và khả năng ảnh hưởng não bộ đối phương từ xa lâu nay vẫn là "chân trời" mà loài người hướng tới. Ví dụ như nếu vũ khí tác động tới não bộ được phát minh ra, nó có thể trở thành một trong những vũ khí đáng sợ và hiệu quả nhất trong nền văn minh nhân loại.

1. Liên Xô

Theo một báo cáo, từ giữa năm 1917 cho đến khi tan rã, Liên Xô đã đổ hơn 1 tỉ USD cho các chương trình nghiên cứu kiểm soát não người - nhằm thực hiện chiến lược gián điệp, kiểm soát kẻ thù cũng như phòng vệ an ninh quốc gia trước liên minh các nước phương Tây.

Sự liên hệ đầu tiên giữa chính quyền Liên Xô và các hiện tượng khoa học huyền bí này là việc thành lập ra một Ủy ban, đứng đầu là giáo sư D.I. Mendeleev - đi tìm kiếm những bằng chứng thật sự về việc này trong xã hội, không chỉ giới hạn trên lãnh thổ các quốc gia Liên Xô mà còn lan đến tận cả Đông Đức.

Trong quá trình tìm kiếm và giải thích những hiện tượng bí ẩn, Ủy ban này thường xuyên phủ nhận các hiện tượng tâm linh mà thiếu đi những bằng chứng khoa học. Tuy nhiên, họ vẫn liên tục tìm kiếm những con người có thể điều khiển trí não người khác dù chỉ đứng ở một khoảng cách ngắn.

Để giải thích các hiện tượng này, tiến sĩ A.M.Butlerov đã giả định rằng hệ thống thần kinh và não là các nguồn bức xạ cụ thể. Sự di chuyển các dòng thần kinh của con người cũng như dòng điện chạy trong dây dẫn. Sự truyền tín hiệu từ não một người đến não một người khác cũng tương tự như hiện tượng cảm ứng điện từ.

Nói cách khác, một số người có khả năng gửi ra một tia điện từ ở tần số rất cao mà những người này, ta gọi họ là "nhà ngoại cảm". Quan điểm này trở nên vô cùng phổ biến trong thế kỷ 20.

Đã có nhiều bằng chứng cho thấy các cuộc tìm kiếm những bằng chứng lạ kỳ này được tài trợ bởi cơ quan an ninh Liên Xô NKVD.

Người ta ghi lại một chuyến thám hiểm đến Tây Tạng, thực hiện một chuyến đi đến các hang động của Crimea, một góc của khu vực Kostroma, Altai, thậm chí cả xây dựng một số phòng thí nghiệm... tất cả đều nhờ chi phí của cơ quan quốc phòng Liên Xô này.

Tiến sĩ Serge Kernbach từ Trung tâm Nghiên cứu Robot và Khoa học Môi trường Tiên tiến ở Stuttgart-Đức, đã công bố một báo cáo cho biết chi tiết về các thí nghiệm nhằm truyền đạt tín hiệu não bộ từ một đối tượng này sang một đối tượng khác bao gồm cả người, con vật đều nằm trong danh sách thí nghiệm.

Trước đây, các tài liệu này đều được đóng dấu "bảo mật" một thời gian dài và chỉ được giải mật dưới thời kỳ hậu Liên Xô.

Báo Nongnghiep có đăng một bài viết cho biết, vào năm 1923, kỹ sư điện tử Liên Xô Bernard Kazhinsky đã giới thiệu một dự án chế tạo thiết bị mang tên "Radio Não bộ" có khả năng chuyển hóa xung não, biến chúng thành tín hiệu từ khoảng cách xa.

Kazhinsky giả định rằng con người chính là một đài phát radio sống, có thể đảm nhận cùng lúc hai vai trò phát và tiếp nhận sóng radio. Vậy nên, một người hoàn toàn có thể tiếp nhận sóng điện từ từ người khác truyền đi nếu cả hai được "cấu hình" tương ứng. Kết quả của thí nghiệm khoa học mà Kazhinsky thực hiện đã gây chú ý.

Ngày 17/3/1924, thí nghiệm "vũ khí não bộ" đầu tiên được thực hiện ở Moscow và nó diễn ra trên động vật. Thí nghiệm hướng tới việc ra lệnh cho những con chó lấy một cuốn sách xác định từ trên kệ tới các nhà khoa học dưới tác động của sóng radio tần số thấp.

img

Ảnh minh họa.

Đàn chó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng vì lý do nào đó, chúng lại mất đi khả năng làm theo những mệnh lệnh bình thường.

Các cơ quan mật vụ đánh hơi được về dự án và tỏ ra thích thú với ý tưởng dùng sóng vô tuyến tác động tới trí não người. Nhưng theo một số nguồn tin, Kazhinsky đã ngừng dự án dù rất tin tưởng vào nó.

Dự án về sau được một số nhà khoa học khác nghiên cứu nhưng không ai thực sự tâm huyết. Ý tưởng cuối cùng bị xếp vào kho lưu trữ vì chi phí tốn kém cũng như việc không thể cho ra những tiến bộ đáng quan tâm.

Báo cáo ghi lại rằng các nhà nghiên cứu Nga đã từng chế tạo một thiết bị gọi là "cerpan"- một thiết bị cho phép tích tụ lượng lớn bức xạ điện từ ở tần số cao từ một chủ thể bất kỳ và giải phóng lượng năng lượng này sang một đối tượng khác.

Nếu thiết bị được thiết kế đầy đủ, nó có thể tích lũy năng lượng sinh học từ tất cả những thực thể sống: bao gồm động vật, thực vật, con người - sau đó giải phóng chúng.

Nếu thành công, Liên Xô có thể kiểm soát từ xa một số cá nhân thuộc đối phương, điều khiển họ đi trộm tài liệu mật hoặc phá hoại thiết bị quân sự. Khi nhiệm vụ hoàn thành thì cá nhân đó không hề hay biết mình đã làm gì - một kết quả hoàn hảo cho một chiến dịch tối mật.

2. Mỹ

Thực tế, trong khi Liên Xô phát triển chương trình này, thì Mỹ cũng tạo ra một chương trình tương tự. Các kế hoạch này hoàn toàn là tuyệt mật, và hai bên được tiếp cận vô cùng ít những gì có thể của nhau hay của những nước đồng minh. Được biết, Mỹ cũng đổ khoản tiền hàng trăm triệu USD cho dự án tương tự.

Được biết, dự án phía Mỹ triển khai có tên là "MK Ultra". Dự án được CIA thành lập năm 1953, tiến hành các thí nghiệm bí mật với những người bình thường mà không có sự đồng ý của họ. Loại thuốc chủ yếu được sử dụng là thuốc gây ảo giác LSD mà nhà hóa học người Thụy Sĩ Albert Hofmann tổng hợp năm 1938.

img

Ảnh minh họa.

Trong thời gian 1960-1970, hoạt động thử nghiệm mở rộng đến bệnh viện, trường học, trung tâm hoạt động xã hội... được ngụy trang bằng những chương trình thử nghiệm các loại thuốc chữa bệnh tâm lý. Thuốc được tiêm cho cả người của CIA, bác sĩ, quân nhân, y tá, nhân viên chính phủ, gái mại dâm, bệnh nhân tâm thần, tù nhân và cả những người bình thường.

Các hoạt động của CIA được miêu tả là "gây nguy hiểm, tổn thương, làm thay đổi suy nghĩ con người về nhận thức, tư duy, ký ức con người - bằng hàng loạt các hành vi tra tấn phi đạo đức và phi nhân quyền."

Người ta không khỏi kinh hoàng khi biết CIA đã dùng khoảng 17 thủ thuật khác nhau gây tác động đến tâm trí như gây cảm giác gần như chết đuối, sốc điện, bỏ đói hoặc khát, không cho ngủ, ngạt thở, hoặc cưỡng ép mang thai, dùng các phương pháp nhân tạo để gây rối loạn...

Mục đích của dự án là tạo ra những "Manchurian candidates" (những ứng cử viên Manchurian) - hay nói cách khác là những sát thủ làm nhiệm vụ ám sát hoặc theo lệnh của CIA.

Được biết, CIA nhắm mục tiêu vào không chỉ đội ngũ điệp viên, tướng lĩnh, nhà khoa học của các nước đối thủ mà còn cả những lãnh đạo cấp cao.

Dù sao, không có bằng chứng lịch sử nào cho thấy Liên Xô đã vi phạm nhân quyền trong cuộc chạy đua "kiểm soát trí não".

Tuy không đạt được kết quả gì, nhưng dự án mà Liên Xô tham vọng đã cho phép các bước tiến lớn hơn về các dự án nghiên cứu "kiểm soát trí não con người" có thể đang được thực hiện tại Nga.

Cũng dự án này đã truyền cảm hứng cho đạo diễn Grant Heslov dựng nên bộ phim "The Men Who Stare at Goats" của Hollywood năm 2009.

img

Ảnh bộ phim "Người đàn ông nhìn chằm chằm vào chú dê" (The Men Who Stare at Goats)

Tổng thống Vladimir Putin đã từng nhấn mạnh tác động của các vũ khí tương lai - trong đó có vũ khí tâm sinh lý - trong một bài phát biểu năm 2013:

"Trong một tương lai xa, các hệ thống vũ khí sử dụng các nguyên tắc vật lý khác nhau sẽ được tạo ra chùm, địa vật lý, sóng, di truyền, tâm sinh lý và các loại vũ khí khác. Tất cả điều này sẽ cung cấp các công cụ mới về cơ bản để đạt được các mục tiêu chính trị và chiến lược bên cạnh vũ khí hạt nhân."