Dân Việt

Nỗi lo công nhân nhảy việc

06/02/2012 07:11 GMT+7
(Dân Việt) - “Đầu tư mua trang thiết bị hiện đại dễ dàng hơn tìm lao động có tay nghề cao”, đây là tâm sự của các doanh nghiệp dệt may. Cứ sau Tết, các doanh nghiệp này lại lao đao vì thiếu lao động.

Đua nhau nhảy việc

Nếu như các tỉnh phía Bắc, DN chỉ cần vài chính sách là giữ chân được lao động thì ở TP.HCM, nhiều DN cũng tung ra những chiêu để thu hút công nhân, trong đó có việc trả lương khá cao, từ 4 - 5,5 triệu đồng/tháng nhưng tìm mỏi mắt cũng chỉ có lác đác vài công nhân vào làm việc. Mà số này hấu hết là công nhân “nhảy việc”.

img
Công nhân Công ty cổ phần may Thủ Đức 3, TP.HCM.

Chị Phạm Thị Hoài Phượng (quê An Giang) nói: “Sáu năm tôi đi may ở Sài Gòn, tôi đã chuyển đến 16 chỗ làm cả thảy”. Lý do nhảy việc của chị là "tìm chỗ có thu nhập cao hơn, dù chỉ là vài chục ngàn đồng mỗi tháng".

Phượng cho hay, chị vừa mới bỏ việc ở một công ty may tư nhân ở quận 12 để tìm việc mới, với mong muốn thu nhập khá hơn. Ở công ty cũ, mỗi ngày công Phượng chỉ được 50.000 đồng, đây là mức lương cao nhất đối với công nhân bậc A, với trên 6 năm kinh nghiệm trong ngành may. Có tháng làm đến 3 ca mỗi ngày, lương cộng với phụ cấp làm thêm, chị chỉ nhận xấp xỉ 2,4 triệu đồng/tháng. Vì thế, khi đọc tờ rơi với nội dung: "Những công ty may xuất khẩu lớn ở Tân Bình đang tuyển công nhân, mức lương tới hơn 4 triệu đồng/tháng" Phượng đã nghỉ việc, đi xem xét tình hình. Cùng công ty của Phượng cũng có nhiều chị em có tâm lý tương tự.

Đại diện phụ trách nhân sự của Công ty May Đông Minh, tại KCX Tân Thuận, cho hay: “Từ sau tết đến giờ, chỉ có 30% công nhân quay lại làm việc. Hiện mức lương trung bình mà Đông Minh trả cho công nhân là 2 - 3 triệu đồng/tháng, với kinh nghiệm may từ 2 - 3 năm”. Vị này cũng thừa nhận rằng trong quá trình phỏng vấn lao động, lương thấp là một trong những lý do công nhân thay đổi chỗ làm và bỏ việc.

Các chuyên gia nói gì?

Ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM đánh giá, ngành dệt may phát triển dựa trên 4 yếu tố: Thị trường, công nghệ, nhân lực và nguồn nguyên liệu. Về thị trường, Việt Nam đang có thuận lợi và đây không chỉ là một xu thế ngắn hạn mà đang là xu thế bền vững. Công nghệ không phải là vấn đề khó khăn.  Hiện nay, DN dệt may Việt Nam đã ý thức đầu tư mạnh cho công nghệ để gia tăng năng suất lao động. Cái khó nhất của ngành may hiện nay chính là lao động.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết: “Năm 2012 sẽ có 265 nghìn chỗ làm việc, trong đó sẽ có hơn 120 nghìn chỗ làm việc mới. Dệt may chiếm 18% nhu cầu lao động mới nhưng là ngành khó tuyển lao động nhất”.

“Tôi cho rằng ngày đầu năm công nhân chưa quay lại là do vẫn còn mải tết và chuyện xe cộ khó khăn… Tôi tin chắc khoảng hơn một tuần nữa thì lượng công nhân sẽ ổn định” - ông Kiệt nói.

Tuy nhiên, xét về lâu dài, ông Phùng Đình Ngọ -Giám đốc Công ty May Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng lo ngại công nhân bỏ việc sẽ càng phổ biến bởi theo ông, với giá cả sinh hoạt đang tăng lên từng ngày như hiện nay, muốn trụ lại TP.HCM, mức lương công nhân phải khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Dù tình hình đơn hàng, thị trường xuất khẩu đang có nhiều thuận lợi nhưng dệt may VN chủ yếu là gia công, các nhà nhập khẩu chỉ chịu đàm phán tăng giá ở mức thấp so với những đơn hàng FOB nên khó có thể tăng lương cho công nhân. Và như vậy, khó có thể thu hút công nhân vào ngành này.