Dân Việt

Trung Quốc "ăn" cầm chừng, giá mít Thái rớt thảm hại

Trà Thượng 26/06/2019 15:05 GMT+7
Ba tháng đầu năm 2019, giá mít Thái do thương lái thu mua ở miền Tây và các tỉnh Đông Nam bộ đang ở mức cao chót vót từ 70-80.000 đồng/kg. Nhưng những tháng gần đây, giá mít Thái cứ tụt dốc không phanh và hiện chỉ còn ở mức 5.000-18.000 đồng/kg. Nguyên nhân được lý giải là các thương lái Trung Quốc thu mua cầm chừng...

Theo đó, giá mít Thái ở Bình Phước-1 trong những tỉnh miền Đông Nam bộ trồng nhiều mít Thái nhất hiện nay đang ở mức cực kỳ thấp, thậm chí thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây. 

Cụ thể, giá mít Thái loại 1 giá chỉ còn 15.000 đồng/kg, loại 2 có giá 12.000 đồng/kg, loại 3 hiện chỉ còn có 8.000 đồng/kg.

img

Thu hoạch mít Thái trồng ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: IT.

Giá mít Thái tụt dốc không phanh khiến không ít nhà vườn trồng loại trái cây này lo lắng, nhất là các hộ chặt tiêu, điều để trồng mít Thái trong nửa cuối năm 2018 và đầu năm 2019-thời điểm bùng phát phong trào chuyển đổi sang trồng mít Thái ở tỉnh này. Đây cũng là thời điểm giá giống cây mít Thái tăng cao, có thời điểm 1 cây mít Thái giống có giá từ 150.000-180.000 đồng nhưng các vườn ươm không đủ hàng để bán.

Tại miền Tây, giá mít Thái ở Tiền Giang, Bến Tre, Hậu giang cũng đang giảm giá thảm hại khiến nhiều chủ vườn hết sức lo lắng. Theo đó, giá mít Thái ở Hậu Giang loại 1 đang ở mức 70.000-80.000 đồng/kg giờ rớt xuống chỉ còn 18.000 đồng/kg loại 1, 10.000 đồng/kg mít loại 2 và mít Thái loại 3 chỉ còn 5.000 đồng. Nhiều chủ vườn mít ca thán, giá bán 1 ký mít Thái giờ không mua nổi 1 ký rau bình thường.

img

Một điểm cân mít Thái ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Việt Tường.

Một số chủ vựa thu mua mít Thái lớn trong tỉnh Hậu Giang lý giải, sở dĩ mít Thái tiêu thụ chậm, giá lao dốc là vì do thị trường Trung Quốc "ăn chậm, ăn ít" lại bởi đây là thời điểm đang thu hoạch nhiều loại trái cây khác nên nhu cầu về mít Thái giảm.

Một số nhà vườn trồng mít Thái ở Hậu Giang lý giải, việc trồng ồ ạt mít Thái trong 2 năm qua chưa hẳn là nguyên nhân chính bởi những diện tích trồng mới trong 2 năm qua chưa thể tạo nên số lượng trái nhiều tới mức gây dưa thừa trong năm nay, nếu có dư thừa thì phải sang năm 2020 và các năm sau. Giá giảm chủ yếu là do nhu cầu bên thị trường Trung Quốc giảm bởi trước nay gần 90% mít Thái được tiêu thụ qua thị trường này...