Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), hiện 100% hộ dân trên địa bàn 5 huyện đang xây dựng NTM, gồm: Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ và Hóc Môn đã có điện sử dụng thường xuyên. Hệ thống lưới điện phủ kín đến từng ngõ, xóm (hẻm, tổ).
Điện vươn ra đảo
Có thể nói, người dân ở 5 huyện NTM của thành phố có được cuộc sống sung túc như hiện nay nhờ phần đóng góp không nhỏ của ngành điện. Đây là những nhân tố thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân những năm qua.
Có điện, nông dân nuôi tôm ở thành phố (nhất là huyện Cần Giờ) thuận lợi hơn khi phát triển sản xuất. Ảnh: T.Đ
Trước yêu cầu cấp thiết phải nhân rộng mô hình điện khí hóa nông thôn, hình thành và phủ khắp vùng ngoại thành mạng lưới điện quốc gia thông suốt từ nơi phát điện đến tận nơi sử dụng như hộ gia đình, trang trại (trồng trọt và chăn nuôi), Công ty Điện lực Bình Chánh đã đẩy mạnh công tác phủ kín lưới điện đến từng ngõ hẻm, xóa điện kế tổng, gắn điện kế cấp điện trực tiếp đến từng hộ dân và bán điện đúng giá quy định, góp phần thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn Bình Chánh. Trong đó, xã Bình Lợi còn được hoàn thiện và phát triển lưới điện theo tiêu chí NTM, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu thắp sáng, sinh hoạt cho người dân với tổng vốn đầu tư trên 4,6 tỷ đồng.
Theo UBND huyện Bình Chánh, ngay sau khi phủ mạng lưới điện rộng khắp, trong năm 2018, Công ty Điện lực Bình Chánh đã hưởng ứng “Phong trào thi đua xây dựng NTM” tiếp tục thực hiện kế hoạch cải tạo, nâng cấp và kiện toàn hệ thống lưới điện trung - hạ thế dài hơn 100km trên địa bàn huyện quy mô 185MBA, công suất 45.240kVA, với tổng vốn đầu tư hơn 93 tỷ đồng.
Hiện toàn bộ xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bình Chánh đã phủ kín lưới điện quốc gia, cơ bản hoàn thành tiêu chí điện nông thôn theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 với lưới điện trung, hạ áp và trạm biến áp phân phối, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về cung cấp điện, 100% số hộ dân sử dụng điện qua điện kế đấu nối trực tiếp từ lưới điện
quốc gia.
Trong khí đó, tại huyện Cần Giờ - huyện nghèo nhất của thành phố, lưới điện không chỉ phủ khắp đất liền mà còn vượt biển ra xã đảo Thạnh An thúc đẩy, phục vụ đời sống, sản xuất cho bà con xã đảo. Theo đó, tháng 4/2016, công trình lưới điện 22kV xuyên biển cấp điện cho ấp đảo Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An) đã hoàn thành và đưa vào vận hành, với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng. Hiện, một số hộ dân chưa được sử dụng điện qua lưới điện quốc gia trên ấp đảo này, Tổng Công ty Điện lực thành phố (EVN HCMC) cho biết đã cấp điện thông qua hệ thống pin năng lượng mặt trời, đảm bảo điện phục vụ sinh hoạt cho tất cả các hộ dân sinh sống và hành nghề sản xuất muối trên ấp đảo, cũng như với các hộ dân sinh sống rải rác trong rừng phòng hộ, chưa có cơ sở hạ tầng (đường bờ bao, bờ ruộng…) để có thể phát triển lưới điện quốc gia.
Không ngừng nâng cao tiêu chí điện
Sơ kết 3 năm xây dựng NTM (2016-2018), Văn phòng Điều phối NTM TP.HCM cho biết, EVN HCMC đã phát triển hoàn thiện 298km lưới điện trung thế, 307km lưới điện hạ thế với tổng công suất tăng thêm 493MVA đảm bảo cấp điện ổn định đạt tiêu chuẩn cho hơn 519.590 hộ dân khu vực nông thôn.
Sau 3 năm, EVN HCMC đã thực hiện đầu tư mới 232 công trình điện, góp phần hoàn thiện lưới điện khu vực nông thôn với tổng mức đầu tư 582 tỷ đồng. |
Theo ông Thái Quốc Dân -Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM TP.HCM, tại một số khu vực, hộ dân sinh sống chưa có đường giao thông, một số hộ dân sinh sống rải rác, không tập trung, nên để các hộ dân này được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia, ngành điện phải đầu tư dàn trải với chi phí đầu tư khá lớn. Trong quá trình đầu tư phát triển lưới điện cho các hộ dân sống ven sông, kênh, rạch, ngành điện gặp khó khăn trong việc thỏa thuận hướng tuyến, vị trí trồng trụ điện do vướng hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.
Đại diện EVN HCMC cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh đầu tư, phát triển thêm các trạm biến áp 110/22kV, hệ thống lưới điện và trạm biến áp phân phối, song song với việc đầu tư hiện đại hóa lưới điện để nâng cao chất lượng cung ứng điện trên địa bàn thành phố. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo cung cấp điện ổn định cho người dân tại các khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa và các xã đảo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sinh hoạt của người dân.