Dân Việt

Hàng loạt sai phạm Dự án KĐTM Thủ Thiêm, đâu là nguyên nhân chính?

Hoàng An 27/06/2019 09:18 GMT+7
Sau khi chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. HCM, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ nguyên nhân chính dẫn đến những thiếu sót, sai phạm.

Như Dân Việt đã đưa tin, Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng,... tại Khu đô thị mới  (KĐTM)Thủ Thiêm, TP. HCM. 

Đáng chú ý, Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ một số sai phạm tại dự án như: chênh lệch giá giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các cơ quan chức năng đề xuất, không đúng quy định; hàng loạt sai phạm trong chỉ định thầu, ký hợp đồng, giao đất dự án BT của UBND TP. HCM. Hay như việc UBND TP. HCM giao đất không qua đấu giám đấu thầu dự án; TP tự thanh lý hợp đồng,…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong kết luận. Đặc biệt, nguyên nhân chủ quan chính dẫn đến các thiếu sót, vi phạm, chủ yếu trên là do việc nhận thức, chấp hành các chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành cũng như các quy định của pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ, có lúc chưa nghiêm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND TP và các sở, ngành tham mưu.

img

Quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sự phối hợp giữa các sở, ngành của TP còn chậm trễ, chưa xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ; một số nơi còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý đầu tư và xây dựng, nhiều vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời.

“Hậu quả là đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm, gây lãng phí, nguy cơ gây thất thoát tiền của nhà nước với giá trị lớn; xét tổng thể đến thời điểm thanh tra, việc đầu tư KĐTM Thủ Thiêm là chưa có hiệu quả, mất cân đối về tài chính”, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Từ hàng loạt sai phạm đã chỉ ra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ và UBND TP. HCM chấn chỉnh việc quản lý và về cơ chế chính sách.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ hoặc ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền, hoàn thiện các quy định về việc xác định chi phí lãi vay trong phương pháp thặng dư để tính tiền sử dụng đất cho phù hợp, chính xác và khách quan.

Bộ Tài chính cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng quỹ đất sạch báo cáo Thủ tướng để thực hiện việc thanh toán cho các dự án BT nói chung và Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng.

Bộ Xây dựng, xem xét, bổ sung hoặc điều chỉnh quy chuẩn xây dựng, đảm bảo đáp ứng kịp thời cho hoạt động xây dựng ngày càng phát triển; xem xét, xử lý việc xây dựng của Công ty cổ phần Đại Quang Minh không đảm bảo đúng theo quy chuẩn xây dựng mà Thanh tra Bộ Xây dựng đã kết luận.

UBND TP.HCM cần xem xét và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với khoản thuế VAT trong các hợp đồng BT như tại dự án BT 4 tuyến đường chính…

Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM thực hiện thu hồi và hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm đến thời điểm 30/9/2018 là hơn 26.300 tỷ; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho Khu đô thị Thủ Thiêm là hơn 4.200 tỷ.

UBND TP nghiên cứu các phương án khai thác quỹ đất còn lại trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tính lại tiền sử dụng đất của các dự án đã giao cho nhà đầu tư; đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước và khắc phục tình trạng mất cân đối khi đầu tư xây dựng dự án này...

Chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền như: Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm; các sở Giao thông Vận tải, Tài Chính, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến Trúc, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố; các đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư dự án… vì đã có khuyết điểm, vi phạm nêu trên.

Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra này.

“Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản Nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.