Dân Việt

“Kỳ tích” phủ xanh vùng mặn từ loài rau dại bán chạy ở Cà Mau

Chúc Ly 01/07/2019 06:00 GMT+7
Tận dụng diện tích bờ vuông tôm, nhiều nông dân ở huyện Phú Tân, Cà Mau đã thực hiện mô hình trồng rau má. Một loài rau trước đây vốn chỉ mọc dại quanh nhà, ít ai để ý đến.

Để tìm hiểu về mô hình này, chúng tôi có mặt tại nhà ông Nguyễn Văn Xuân (ngụ ấp Xẻo Sâu, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau), người có 6 năm kinh nghiệm trong việc trồng rau má.

Được biết, rau má loại rau rất tốt cho việc duy trì sắc đẹp, giúp hạ huyết áp và điều trị các chứng phù nề, nhưng đây vốn là loài rau dại. Thời gian trước loại rau này không được nhiều người chú ý, nhưng càng về sau nó càng được nhiều người ưa chuộng. Bởi rau má có tính mát, chứa nhiều vitamin, chất xơ, có tác dụng thanh nhiệt cơ thể, giải độc, chống oxy hóa, làm đẹp da, nên nhu cầu thị trường cao.

img

Mô hình trồng rau má ở vùng đất mặn đang mang lại hiệu quả tích cực cho nhiều nông dân ở Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly.

Hiện nay, thông thường ở nông thôn, nhiều gia đình chọn trồng một ít rau má quanh nhà để làm thức ăn. Tuy nhiên, hiếm ai phát triển lên thành mô hình lớn, có khả năng cung cấp cho khách hàng ở nhiều nơi.

Nắm bắt nhu cầu này, ông Xuân quyết định tận dụng đất bờ vuông nuôi tôm để trồng rau má, nâng cao nguồn thu nhập. Song song đó, do đáp ứng được nhu cầu thị trường nên không lo đầu ra sản phẩm.

Ông Xuân cho biết: “Mỗi tháng, tôi thu hoạch rau má 1 lần và đem lại nguồn thu nhập cho gia đình gần 300.000 đồng/ngày. Hằng ngày, 2 vợ chồng tôi mất khoảng 14 giờ để chăm sóc vườn rau, tuy khá vất vả nhưng thu nhập mang lại rất ổn định”.

img

Gia đình ông Xuân kiếm được gần 300.000 đồng/ngày với mô hình trồng rau má. Ảnh: Chúc Ly.

Hiện, gia đình ông Xuân có 2.000m2 đất trồng rau má. Sản phẩm sẽ được ông bỏ mối cho bạn hàng tại các chợ ở huyện và các địa bàn lân cận, với giá dao động từ 12.000 – 18.000 đồng/kg.

Theo nhiều hộ dân có thâm niên trong nghề, rau má có sức sống mạnh mẽ và dễ trồng. Tuy nhiên, khi đất trồng xuất hiện lớp rong rêu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của rau màu và rất khó trị.

img

img

Đa số mô hình trồng rau má ở xã Nguyễn Việt Khái đều được nông dân đầu tư bài bản, giảm sức lao động. Ảnh: Chúc Ly.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư trồng 1.000m2 rau má là khoảng 12 triệu đồng bao gồm tiền hạt giống, chi phí cải tạo đất, phân bón…Được biết, sau khi trồng  và thu hoạch khoảng 1 năm, các hộ sẽ phát bỏ rau má, làm cỏ, cải tạo đất…Sau đó, mua hạt giống để tiếp tục tái vụ.

Ông Xuân chia sẻ: “Để hạn chế rau má bị già, lá úa thì người trồng phải thu hoạch đúng lứa. Việc làm này còn giúp cho các lứa thu hoạch sau có năng suất hơn. Thông thường, vào mùa mưa thì khoảng 25 ngày/thu hoạch 1 đợt, còn mùa khô thì khoảng 30-35 ngày.

Cũng thành công từ mô hình trồng rau má, hiện ngoài thu nhập từ con tôm, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Long Đỉnh (ấp Gò Công Đông, xã Nguyễn Việt Khái) thu về hơn 60 triệu đồng từ mô hình. Theo ông Đỉnh, ban đầu gia đình ông chỉ trồng thử một diện tích nhỏ để theo dõi sâu bệnh và cách thức chăm sóc. Sau thời gian, ông thấy đây là loại rau dễ trồng, ít sâu bệnh hơn những loại rau khác, nên rất hạn chế phân thuốc. Sau đó, ông quyết định mở rộng diện tích và đầu từ giàn lưới, hệ thống ống nước tưới rau.

img

Những bờ bao vuông tôm ở vùng đất mặn xã Nguyễn Việt Khái nay được phủ một màu xanh của loài rau má. Ảnh: Chúc Ly.

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các hộ trồng rau má ở xã Nguyễn Việt Khái đều thực hiện lắp đặt hệ thống tưới tự động, thiết kế nơi trồng bài bản. Từ đó, hiệu quả và năng suất mang lại từ mô hình khá cao.

Ông Huỳnh Công Luận - Trưởng ấp Xẻo Sâu, cho biết: “Mô hình trồng rau má thương phẩm trên địa bàn được người dân áp dụng gần 10 năm nay, với tổng diện tích khoảng 1ha. Trồng rau má trên bờ vuông tôm và đất trống vườn tạp là mô hình hay đã đem đến nguồn thu nhập khá và ổn định cho nhiều hộ dân”.

Theo ông Lữ Hoàng Hiền - Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái, tận dụng diện tích đang có, nhiều hộ dân đã thực hiện mô hình trồng rau má, phũ xanh vùng đất mặn. Hướng đi này đã mang lại hiệu quả tích cực, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, hiện nay địa phương còn chưa có lộ giao thông, nên việc vận chuyển buôn bán sản phẩm còn khó khăn.