Dân Việt

BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ : Bất ngờ với số tiền chủ đầu tư thu được trong vòng 1 ngày

Nguyễn Đức 27/06/2019 16:55 GMT+7
Chủ đầu tư BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ vừa thông tin liên quan đến doanh thu phí của trạm này trong vòng 5 tháng đầu năm 2019.

img

Trạm thu phí BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ

Mới đây, báo chí phản ánh, trong tháng 5/ 2019, tổng doanh thu tại các trạm BOT tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ gồm trạm Pháp Vân, trạm Thường Tín, trạm Vạn Điểm, trạm Cầu Giẽ có doanh thu trên 57,9 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày trạm có tổng thu gần 2 tỷ đồng.

Đây là con số mà các trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu được tương đương trong các tháng thời gian qua. Như vậy, với doanh thu này, trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ cần 108 tháng (9 năm) là đủ tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng cho dự án, chứ không cần đến 207 tháng (17 năm 3 tháng) như hợp đồng BOT với Bộ GTVT.

Liên quan đến nội dung trên, ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ cho biết, trên thực tế,  5 tháng đầu năm 2019, đơn vị thu được hơn 324 tỷ đồng, trong doanh thu tháng cao nhất là hơn 70 tỷ; tháng thấp nhất là hơn 60 tỷ. Trung bình doanh số thu phí một ngày là 2 tỷ 145 triệu đồng.

Còn về thời gian thu phí, ngày 12/10/2017,  Bộ GTVT đã thống nhất với công ty về dự kiến thời gian thu phí là 15 năm 6 tháng 14 ngày. Thời gian thu phí thực tế sẽ được điều chỉnh căn cứ vào lưu lượng và doanh thu thực tế, được cập nhật thường xuyên vào phương án tài chính. Tất cả các khoản chi phí đưa vào phương án tài chính đều phải được các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt và chấp thuận.

Ông Oánh cho rằng, một số phương tiện thông tin đại chúng nêu cách tính thời gian thu phí và thời hạn được thu phí là chưa chính xác.

“Việc xác định thời gian thu phí được Bộ GTVT xây dựng theo phương án tài chính và các số liệu thực tế được cập nhật thường xuyên vào phương án, trong đó bao gồm: tổng mức đầu tư thực hiện; chi phí trả lãi vay ngân hàng hàng năm, chi phí vận hành khai thác; chi phí duy tu bảo trì; thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước”, ông Oánh nêu trong văn bản.

Về công tác sao lưu dữ liệu tại trạm BOT, theo ông Oánh, phía công ty đã thực hiện đúng theo Thông tư 49/2016/TT-BGTVT quy định về việc xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trong đó có nội dung về công tác sao lưu dữ liệu.

Cụ thể, ngày 30/5, công ty đã lực hiện xong công tác nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ lưu trữ dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Sau khi kiểm tra, đến ngày 10/6, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã có văn bản kết luận “hệ thống thu phí đường cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ đã đáp ứng đủ điều kiện sao lưu dữ liệu thu phí theo quy định tại Thông tư 49/2016 của Bộ GTVT”.

Đánh giá về việc công khai, minh bạch thu phí tại các trạm thu phí, lãnh đạo Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ cho hay, việc thu phí được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước, ngoài ra còn có sự giám sát chéo của Tổng Công ty Đầu tư  phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), do hai bên đang thực hiện công tác thu phí liên thông.

Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) có tổng mức đầu tư là 6.731 tỷ đồng và được chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1: được khởi công từ ngày 29.9.2014 và hoàn thành vào 30.6.2015. Tuyến đường có 4 làn xe cơ giới; 1 đường dừng khẩn cấp. Mức đầu tư là 1.974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt đường chính tuyến…

Giai đoạn 2, mức đầu tư là 4.757 tỷ đồng, tiếp tục mở rộng thêm 2 làn, xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới. Bề rộng nền đường 33,5m, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp 4 đồng bằng. Dự kiến khởi công vào tháng 11.2015, hoàn thành vào năm 2018.

Hé lộ doanh thu trạm thu phí trên Quốc lộ 5

Tổng cục Đường bộ vừa báo cáo Bộ GTVT kết quả 10 ngày kiểm tra, giám sát hoạt động thu phí tại trạm thu phí số 1...