Tại xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn (Quảng Nam), nghề khoai chà hiện vẫn được gìn giữ, tạo thu nhập cải thiện đời sống, đưa hương vị quê nhà bay xa.
Sản phẩm khoai chà" có mặt tại các hội chợ triển lãm tại tỉnh Quảng Nam.
Tìm đến nhà anh Bùi Khắc Sơn ở thôn An Phú, xã Phú Thọ (Quế Sơn), chúng tôi bắt gặp vợ chồng anh đang chuẩn bị cho mẻ khoai chà đầu tiên trong ngày. Với mong muốn giữ nghề làm khoai chà truyền thống của người dân địa phương không bị mại một, anh Bùi Khắc Sơn đã chủ động thành lập hợp tác xã nông nghiệp An Xuân Sơn, nhằm tạo thêm thu nhập cho bà con. Anh Sơn bảo, đến Quế Sơn mà chưa thử khoai chà thì tiếc lắm.
Làm khoai chà đòi hỏi sự tỉ mỉ để cho ra món ăn có vị ngọt dịu, thơm của khoai, nồng nàn hương nắng gió miền Trung.
Xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) có truyền thống trồng khoai, toàn xã có hơn 150 hộ trồng khoai, mỗi năm cung cấp ra thị trường hằng trăm tấn khoai. Khoai được trồng chủ yếu là khoai Trùi Sa, loại khoai đặc biệt để làm khoai chà.
Để chế biến được khoai chà ngon, sạch và thơm, khoai tươi khi thu hoạch về, sẽ cắt hai đầu, vạt những chỗ sâu, rồi rửa thật sạch, quan trọng nhất là khi nấu khoai phải đổ vừa nước và giữ đều lửa để khoai không bị cháy hoặc nhão. Canh khoai vừa chín tới, nước vừa cạn thì nhắc xuống bếp.
Sàng bột khoai khô để phân chia thành hai loại khoai chà. Loại bột trên sàng là khoai chà hạt lớn. Loại bột mịn rơi xuống nia là khoai chà hạt nhỏ. Mỗi loại được để riêng vào hũ sành, bảo quản ăn dần quanh năm. Khoai chà có vị ngọt dịu, thơm của khoai, nồng nàn hương nắng gió miền Trung.
Nghề làm khoai chà (Quảng Nam) đã trở thành kế sinh nhai cho nhiều hộ gia đình ở thôn An Phú, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn.
“Làm khoai chà rất dễ nhưng lệ thuộc vào thời tiết. Nếu làm ra gặp trời mưa thì khoai bị hư, hoặc kém chất lượng không bán được. Mỗi mùa, tôi làm được khoảng 700kg khoai chà khô, bán giá là 30 nghìn đồng/kg, thu nhập khoảng 20 triệu đồng….”. Trong thời gian tới, sản phẩm khoai chà do Hợp tác xã An Xuân Sơn đang trong quá trình làm hồ sơ để được công nhận là sản phẩm OCOP của xã…”, anh Sơn nói.
Khoai chà trộn với đường in thành bánh. Khoai chà được sử dụng làm nhiều sản phẩm như: Khoai chà đường, bánh chà đường.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Đình Phú, một người đã gắn bó lâu năm với nghề khoai chà, tâm sự: “Trước đây, chủ yếu làm khoai chà để dùng trong gia đình, buôn bán không được bao nhiêu, nhưng từ khi có hợp tác xã khoai chà đã có được đầu ra, thu nhập của bà con cũng ổn định và chúng tôi rất phấn khởi.”
Những năm gần đây, các cơ quan ban ngành rất quan tâm đến việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển Hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Món khoai chà sẽ là một trong những sản phẩm tham gia OCOP của tỉnh Quảng Nam, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và bảo tồn các món ăn dân dã những mang giá trị truyền thống tốt đẹp của nông dân xử Quảng. |