Nội bất xuất, ngoại bất nhập
Chia sẻ tại hội thảo An toàn sinh học và giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại các tỉnh phía Nam, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức ngày 28/6 tại Đồng Nai, TS Nguyễn Hữu Tỉnh – Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ cho biết, đảm bảo cách ly, kiểm soát và hoàn thiện ngay các lỗ hổng trong hệ thống phòng dịch từ ngoài trại chăn nuôi như: Tường rào, cổng trại, thức ăn, nguồn nước, kho chứa, dụng cụ, nhà bếp, chất thải, khu vực xuất bán, các loài côn trùng gặm nhấm… là những giải pháp giúp phân viện bảo vệ an toàn cho Trại lợn giống quốc gia Bình Minh.
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Thái Bình. Ảnh: T.L
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), an toàn sinh học là tập hợp của một quá trình thực hành gồm nhiều bước: Cách ly giữa vật chủ cảm nhiễm với nguồn dịch bệnh và các loài vật nuôi. Làm sạch phương tiện, dụng cụ các vật dụng… đúng cách. |
Theo đó, hệ thống phòng dịch khu vực ngoài trại chăn nuôi thường xuyên được kiểm tra vành đai bên ngoài tường rào của trại, tránh bị vứt xác gia súc chết gần trại. Rải vôi bột khu vực ngoài cổng trại (tối thiểu rộng 10m), trước cửa chuồng nuôi và khu liên kết giữa các lối đi chính trong trại.
Mọi phương tiện và con người vào trại phải đi qua nhà phun thuốc sát trùng và dừng lại ít nhất 30 phút trước khi vào kho bãi. Đối với xe chở lợn, bắt buộc phun sát trùng toàn bộ bên ngoài xe và cả trong thùng xe....
Đó cũng là những nguyên tắc cơ bản của Công ty Chăn nuôi CP áp dụng để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi từ xa. Theo đó, công ty lắp đặt hệ thống đèn UV diệt khuẩn tại kho thức ăn; phun vôi và rãi vôi bột xung quanh nhà các hộ dân và các đường đi khu vực quanh trại; đồng phục bảo hộ lao động sau khi mặc phải được ngâm qua thuốc sát trùng ít nhất 1giờ trước khi giặt.
Tất cả những người đến trại khi vào trại đều phải tắm sát trùng ở cổng bảo vệ, sát trùng đồ ở tủ UV, thay ủng của trại và cách ly 15 phút mới vào trong trại. Không mang quần áo, giày dép bên ngoài vào trong trại. Nếu muốn vào chuồng nuôi lợn phải tắm sát trùng và thay đồ của trại thêm một lần nữa tại nhà điều hành. 100% công nhân viên phải ngủ và sinh hoạt tại trại.
"Cần tăng cường hoạt động đào tạo TOT về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học và phương pháp phòng chống dịch bệnh cho đội ngũ cán bộ thú y, khuyến nông các tỉnh và nông dân chủ chốt. Tăng cường giám sát công tác tiêm phòng các loại vaccine phòng bệnh trên đàn vật nuôi theo quy định nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên gia súc gia cầm". TS Hạ Thúy Hạnh |
Nhận thấy an toàn sinh học (ATSH) là con đường duy nhất ngăn chặn hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, ngay khi dịch bệnh này xuất hiện tại Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức triển khai 2 lớp TOT “Kỹ thuật chăn nuôi lợn ATSH và kiểm soát dịch tả lợn châu Phi” tại Hưng Yên và Thái Bình cho 60 cán bộ khuyến nông, thú y cấp tỉnh, huyện và xã. Tuyên truyền trên trang web khuyến nông về “Một số đặc điểm nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi”; “Hướng dẫn vệ sinh, khử trùng và tiêu độc để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi”...
Theo TS Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong bối cảnh chăn nuôi của Việt Nam quy mô còn nhỏ lẻ, thì việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học càng quan trọng.
“Đảm bảo đúng nguyên tắc cách ly, ngăn chặn mầm bệnh từ xa, cộng với nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi là giải pháp cơ bản nhất trong phòng chống dịch” – bà Hạnh nói.
Tăng cường năng lực giám sát dịch bệnh
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, nguyên tắc cơ bản nhất của biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học chính là cách ly nhằm cắt đứt con đường truyền lây của nguồn dịch bệnh tới vật chủ cảm nhiễm. Muốn thực hiện được điều này thì cần hiểu rõ: Nguồn bệnh; trung gian truyền bệnh và vật chủ cảm nhiễm.
Người chăn nuôi cần thay đổi tư duy từ việc đối phó khẩn cấp với ổ dịch, chuyển sang phòng bệnh chủ động đó là: Quản lý chất lượng đàn vật nuôi bố mẹ; quản lý điều kiện vệ sinh và an ninh sinh học cơ sở giống, truyền tinh, ấp nở; quản lý chất thải, góp phần xây dựng ngành chăn nuôi các-bon thấp ở Việt Nam.
Theo TS Hạ Thúy Hạnh, để thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, cần tăng cường năng lực cho hệ thống giám sát dịch bệnh thông qua việc đào tạo nguồn lực, nâng cấp phòng chẩn đoán xét nghiệm nhằm giám sát kịp thời mầm bệnh tránh bùng phát. Cơ quan chuyên môn quản lý chuyên ngành (Cục Thú y, Cục Chăn nuôi) cần xây dựng và ban hành hướng dẫn cụ thể về các biện pháp xử lý dịch bệnh theo từng nhóm dịch bệnh và mức độ tác động của dịch bệnh.