Dân Việt

Cà Mau: Nuôi loài bống bự, ở đây đốt đuốc không tìm ra hộ nghèo

Hữu Nghĩa 29/06/2019 06:35 GMT+7
"Xóm nhà tường" là cái tên gọi vui cho Ấp 1, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình (Cà Mau), bởi chạy dài hàng cây số trong ấp không thấy bóng dáng của một căn nhà lụp xụp mà là hình ảnh hàng nối hàng của những ngôi nhà khang trang. Chỉ khi kinh tế phát triển thì bộ mặt nông thôn mới thay đổi như thế.

Phó bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ấp 1 Trần Văn Giới tâm sự: “Có thể nói đời sống bà con trong ấp thay đổi từ khi được chính quyền địa phương và Nhân dân cùng bắt tay vào xây dựng nông thôn mới”.

img

Ông Trần Văn Giới, Phó bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng Ấp 1, là người tiên phong trong các mô hình kinh tế: Nuôi cá bống tượng, tôm 2 giai đoạn... thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm.

Toàn ấp hiện có 184 hộ, trong đó có 17 hộ dân tộc Khmer. Năm 2016, phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động và lan toả mạnh mẽ trong nhân dân.

Thời điểm ấy, toàn ấp có 4 hộ nghèo, ông Giới cùng các đảng viên trong chi bộ ra sức giúp đỡ cho các hộ dân thoát nghèo bằng nhiều việc làm thiết thực như: Hỗ trợ tiền, gạo, hướng dẫn cách làm ăn, tổ chức tập huấn canh tác đúng theo quy trình kỹ thuật.

Bên cạnh đó, ông Giới cũng là người tiên phong phát triển nhiều cách làm ăn hay để bà con cùng học hỏi, cùng làm giàu. Cuối năm 2018, hộ nghèo cuối cùng của ấp đã vươn lên thoát nghèo.

Điểm nhấn trong câu chuyện xây dựng nông thôn mới tại Ấp 1 là khi chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn. Chính quyết định đúng đắn này đã đánh thức tiềm năng của đất và người nơi đây.

Trước đây, diện tích nuôi tôm trong xã chỉ chiếm một phần rất nhỏ, việc nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn chỉ có ông Giới cùng một vài hộ mạnh dạn thử nghiệm và đạt kết quả khả quan. Từ đó, bà con chủ động tìm đến học hỏi kinh nghiệm và làm theo. Đến nay, tổng diện tích nuôi tôm trên 9 ấp là 185 ha, trong đó Ấp 1 có  40 ha, dự kiến sẽ nhân rộng lên trên 300 ha.

Từ hiệu quả của mô hình, Tổ hợp tác Nông nghiệp thuỷ sản Ấp 1 ra đời, ban đầu chỉ có 7 thành viên, nay tăng lên 46 thành viên. Tất cả đều ý thức được nhu cầu của mình nên chủ động liên hệ cán bộ vào tập huấn kỹ thuật mà không cần bất cứ nguồn kinh phí hỗ trợ nào.

Ông Hứa Văn Tiết có tổng diện tích 3 ha đất canh tác, trong đó có 2 ha ông dành cho nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn.

Là 1 trong 7 thành viên đầu tiên tham gia vào tổ hợp tác, ông Tiết cho biết: “Trước đây do sản xuất theo phương pháp truyền thống nên không có lãi, từ đầu năm 2019 tôi  triển khai mô hình này, thả con giống thưa nhằm giảm thiểu lượng thức ăn. Chỉ sau 3 tháng rưỡi, tôi thu hoạch được 120 kg tôm, cao hơn nhiều vụ trước”.

Anh Nguyễn Duy Thanh, cán bộ khuyến nông xã Tân Lộc Bắc, cho biết, để mô hình phát triển bền vững cần phải đi theo từng bước, không triển khai đồng loạt, áp dụng điệp khúc nhân rộng, duy trì, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc Võ Văn Ấu, nhược điểm trong sản xuất của bà con là không có nhật ký canh tác, vẫn còn đi theo lối mòn của kiểu sản xuất truyền thống, nên khi thu hoạch xong, thu nhập chỉ ở mức phỏng đoán, thậm chí lỗ vốn.

"Chính vì thế, cán bộ chuyên trách phải có trách nhiệm khuyến cáo bà con tự giác áp dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển mô hình một cách bền vững. “Người quản lý Nhà nước phải làm cơn gió thúc đẩy người dân có ý thức trong việc canh tác để mang lại hiệu quả cũng như lợi nhuận”, ông Võ Văn Ấu nhấn mạnh.