Dân Việt

Nông nghiệp công nghệ cao còn lao đao vì khó xây công trình phụ

Nguyên Vỹ 30/06/2019 06:20 GMT+7
Làm nông nghiệp công nghệ cao mà không cho xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp thì rất khó khăn.

Ông Đoàn Văn Thanh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM thừa nhận như thế tại buổi "Đối thoại cùng chính quyền thành phố về nông thôn mới" do Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức ngày 29/6.

img

Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đang vướng nút thắt công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tham gia đối thoại trực tiếp với chương trình, ông Huỳnh Đoàn Thông – nông dân tiêu biểu TP.HCM năm 2017 cho biết ông chuyên về sản xuất rau màu ở huyện Củ Chi.

Theo ông Thông, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong tình hình hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Người nông dân phải đầu tư rất nhiều, ngoài thiết bị để phục vụ sản xuất còn phải xây dựng các nhà trồng cây để bảo vệ cây trồng khỏi các tác động gây hại bên ngoài do thời tiết, côn trùng, dịch bệnh...

img

Việc xây dựng công trình phụ trợ hiện gặp nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thế nhưng, việc xây dựng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thủ tục hành chính. Muốn xây dựng trên đất nông nghiệp thì phải có giấy phép xây dựng. Mà muốn có giấy phép xây dựng thì nông dân phải chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác. Đây là một việc khó.

Còn nếu không chuyển đổi mục đích hoặc không xin phép xây dựng được, chính quyền yêu cầu người dân phải dỡ bỏ công trình và không được đền bù khi địa phương thực hiện quy hoạch.

Việc này khiến nông dân cảm thấy không yên tâm để bỏ vốn đầu tư vì một nhà màng như thế giá từ 4 – 5 tỷ đồng/ha. Muốn có sản phẩm hàng hóa thì nông dân phải xây dựng trên diện tích đất rất lớn từ 5 – 10 ha nên chi phí rất cao.

img

Ông Huỳnh Đoàn Thông (phải) cho biết nếu không có chính sách tháo gỡ thì nông dân khó yên tâm đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Nếu chính quyền thành phố không có chính sách đơn giản hóa vấn đề xây dựng hoặc tháo gỡ vướng mắc thì nông dân khó yên tâm đầu tư vào nông nghiệp theo hướng công nghệ cao”, ông Thông giãi bày.

Không chỉ riêng với người nông dân, thực tế phát triển của nhiều HTX trên địa bàn TP.HCM cũng đang vướng vào nút thắt này. Nhu cầu xây dựng các công trình phụ trợ như nhà lưới, nhà kho, nhà sơ chế... rất nhiều nhưng quy định chỉ cho phép được xây dựng trên đất nông nghiệp khác.

Ngay tại HTX Phước An - một HTX điểm của thành phố - nhà sơ chế đã xuống cấp từ nhiều năm nay lại vừa nhỏ hẹp, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất nhưng không thể tôn tạo hay mở rộng thêm. Trong khi đó, tiêu chuẩn VietGAP quy định cần phải có nhà kho, nhà sơ chế tại chỗ.

img

Không chỉ nông dân, HTX cũng gặp khó trong việc xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Thích - Giám đốc HTX cho biết, theo hướng dẫn của  Sở Xây dựng, nếu muốn xây dựng nhà sơ chế phải chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác. HTX buộc phải tháo dỡ toàn bộ nhà sơ chế cũ, trả lại hiện trạng ban đầu là đất trống mới được chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác. Nhưng nếu làm vậy lại vướng Luật Đất đai. Hiện HTX này đang muốn xây dựng trụ sở làm việc mới nhưng cũng lại vướng đất đai không đúng quy hoạch.

“Ròng rã nhiều năm cầm đơn đi xin địa phương, sở ngành hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế, nhà chứa vật tư trên đất nông nghiệp, nhưng nay, HTX Phước An đã quyết định bỏ cuộc” ông Nguyễn Văn Thích - Giám đốc HTX cho biết.

Ông Đoàn Văn Thanh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM thừa nhận, làm nông nghiệp trong xu thế nông nghiệp cách mạng 4.0 mà không cho phép xây dựng nhà kính, nhà lưới, nhà kho, nhà sơ chế... thì không thể nào triển khai được nông nghiệp công nghệ cao.

img

Ông Đoàn Văn Thanh (trái) trả lời tại buổi đối thoại về các vấn đề cần quan tâm trong xây dựng nông thôn mới.

Hội Nông dân TP.HCM vẫn đang tập hợp ý kiến của bà con nông dân, của HTX để kiến nghị với Thành ủy và UBND thành phố. Hiện Thành ủy và UBND đã có văn bản giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì phối hợp Sở Xây dựng, Sở NNPTNT chọn 1 huyện làm thí điểm để hướng dẫn nông dân xây dựng tạm trên đất nông nghiệp.

“Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Hội Nông dân TP.HCM sẽ tiếp tục kiến nghị để ngành xây dựng sớm có hướng dẫn, đơn giản hóa thủ tục, và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao”, ông Thanh chia sẻ.