Dân Việt

Thủ Thiêm – sai phạm khủng lộ rõ nhóm lợi ích

Vương Hà 01/07/2019 18:39 GMT+7
Những sai phạm ở Thủ Thiêm được Thanh tra Chính phủ kết luận “nguyên nhân và trách nhiệm chính là do lãnh đạo UBND TP…” đã trả lời vì sao các nhóm lợi ích dám và có thể “xuyên thủng” hàng rào pháp lý như vậy.

Càng ngày xuất hiện càng nhiều dự án BT, BOT mắc những sai phạm kinh tế khủng khiếp. Nhiều sai phạm trước đây ở các vụ án kinh tế thường bị đổ lỗi do luật chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ, nhưng những sai phạm từ các dự án BT và dự án BOT thời gian qua cho thấy, những quy định rất rõ của luật đã bị những cán bộ biến chất chà đạp không thương tiếc.

Vụ án ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các dự án BOT giao thông được các cơ quan chức năng chỉ rõ: Hầu hết được chỉ định thầu một cách vô căn cứ - đây là những hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Vấn đề quan trọng là, vì sao những hành vi này cứ lồ lộ nhưng chậm bị phát hiện, phần lớn vụ việc đã để lại hậu quả rất lớn, trong thời gian dài mới được cơ quan chức năng phát hiện?

img

Một góc thành phố mới Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM.

Điều cần nói rõ là, trong các vụ việc này, vì những người chỉ đạo thực hiện dự án xâm phạm trắng trợn quyền lợi của người dân nên bị phản ứng quyết liệt, kéo dài, lúc đó các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Chẳng hạn, trong vụ Thủ Thiêm, nếu lãnh đạo TP.HCM không lấy đất ngoài ranh quy hoạch, không lấy 160ha đất tái định cư của người dân ở trung tâm để đẩy họ ra xa hơn chục cây số, hoặc như, nếu các trạm thu phí BOT không đặt nhầm chỗ, thì dân đâu có phản ứng quyết liệt như thời gian qua.

Từ những phản ứng rất gay gắt, quyết liệt kéo dài của dân, các cơ quan chức năng vào cuộc mới phát hiện một loạt sai phạm khủng khiếp. Cụ thể, với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, lãnh đạo thành phố không đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất sạch với giá rẻ một nửa so với các ngành chức năng đề xuất; Lấy ngân khố tạm ứng hàng chục nghìn tỉ đồng cho doanh nghiệp thực hiện dự án, đã vậy lại không tính lãi; Giao đất, cho thuê đất trước khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm (đây là sai phạm mắc ở nhiều dự án BT, khiến nhiều DN “tay không bắt giặc” nhờ rao bán đất được giao, rồi lấy tiền làm hạ tầng); chỉ định thầu 12km cho 4 tuyến đường với giá trên trời, bình quân 1.000 tỉ đồng/km; Chỉ định thầu cho DN khi chưa có báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, chưa xem xét kỹ đến các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, thậm chí cho đến lúc thanh tra kết luận, có 2 DN được chỉ định thầu ở 2 dự án nhưng vẫn chưa tính và thu tiền của các chủ đầu tư…

img

Nỗi bức xúc chưa bao giờ ngớt tại các buổi tiếp xúc cử tri và đối thoại của TP.HCM với người dân Thủ Thiêm. Ảnh: H.V

Hậu quả, Nhà nước có khả năng bị thất thoát hàng chục nghìn tỉ đồng. Còn với dự án BOT, những sai phạm khủng chẳng kém. Chẳng hạn đặt trạm thu phí nhầm chỗ, chỉ định thầu, tính sai tổng mức đầu tư, tiền thu phí dẫn đến tính “nhầm” thêm hàng trăm năm thu phí… Kết cục, nhiều tuyến cao tốc có BOT tắc nghẽn vì bị những người tham gia giao thông phản đối kịch liệt, một số phải xả trạm chưa biết đến khi nào.   

Những điều đó cho thấy, những dấu hiệu các nhóm lợi ích câu kết ngang dọc, chồng chéo rất chặt chẽ với nhau để đục khoét ngân khố, móc túi trực tiếp người dân ghê gớm tới mức nào. Nó có thể “xuyên thủng” những quy định tối thiểu của luật mà hầu như vẫn qua mặt được các cơ quan chức năng, làm mất niềm tin vốn đã mong manh của dư luận vào chính quyền.

Tại sao các nhóm lợi ích dám và có thể “xuyên thủng” hàng rào pháp lý như vậy?

Trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể thấy tương đối rõ: Những sai phạm ở tất cả các hạng mục trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm đều được kết luận Thanh tra Chính phủ đánh giá: “Nguyên nhân và trách nhiệm chính để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm trên là do lãnh đạo UBND TP…”. Không gì trả lời rõ ràng hơn câu hỏi, tại sao sai phạm ở đại dự án này khủng khiếp như vậy.  

Nếu những “nhóm lợi ích” không quá tham, không quá coi thường pháp luật, biết né những gì đụng đến quyền lợi trực tiếp của người dân, không tạo khiếu kiện gay gắt, kéo dài của dân và nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của báo chí, thì rất có thể những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong các vụ việc này sẽ “xuôi chèo mát mái”?