Trước đó, một ổ dịch có quy mô lớn nhất nước thuộc về một công ty chăn nuôi cũng đã ghi nhận nhiễm bệnh DTLCP tại huyện Trảng Bom.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, hiện ở xã Đồi 61 đang có khoảng 4 hộ chăn nuôi ghi nhận có lợn nhiễm dịch, với số lợn tiêu hủy lên đến hàng trăm con.
Xã Đồi 61, huyện Trảng Bom tái phát dịch tả lợn châu Phi sau công bố hết dịch. Ảnh: Phạm Tùng
Địa phương này đã công bố hết dịch hồi cuối tháng 5. Tuy nhiên đến nay bệnh đã xuất hiện trở lại. Cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân tái phát dịch.
Trước khi ổ dịch mới tái phát, cũng có không ít hộ nuôi và trang trại boăn khoăn sau khi công bố hết dịch thì trong thời gian bao lâu người chăn nuôi có thể tái đàn.
Theo quy định của Bộ NNPTNT, sau khi công bố hết dịch 30 ngày thì người chăn nuôi có thể tái đàn. Tuy nhiên trên thực tế, có những địa phương sau khi công bố hết dịch 60 ngày người dân mới tái đàn nhưng mầm bệnh vẫn không hết, và ghi nhận đã có trường hợp tái phát dịch bệnh trở lại.
Chi cục Chăn nuôi Thú y đánh giá, việc chủ động phòng chống dịch bệnh của các hộ, trại đang hết sức yếu kém. Ảnh: Nguyễn Vy
Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh, diễn biến DTLCP trên địa bàn vẫn đang hết sức phức tạp và có nguy cơ tiếp tục lây lan rộng. Không chỉ nông hộ, giờ các trang trại chăn nuôi lớn cũng đang đứng trước nguy cơ xâm nhiễm cao.
Ông Trần Văn Qang – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y đánh giá, việc chủ động phòng chống dịch bệnh của các nông hộ cũng như trang trại đang hết sức yếu kém dù chính quyền đã đã thực hiện tất cả các biện pháp như phát động tiêu độc khử trùng, hướng dẫn các biện pháp phòng chống.
Đồng Nai hiện có khoảng 1.700 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn. Diễn biến vừa qua cho thấy vẫn có một số trại nuôi còn lơ là và chưa thực hiện tốt công tác an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Diễn biến DTLCP vẫn đang hết sức phức tạp và có nguy cơ tiếp tục lây lan rộng. Ảnh: Tiểu My
Sự chủ quan đã nảy sinh bắt nguồn từ việc ỷ lại vào vaccine, rất nhiều bệnh khác thì có nhưng DTLCP thì không. Biện pháp phòng chống duy nhất là thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi, tiêu trùng khử độc thì các trang trại không thể làm được.
“Điều kiện vệ sinh kém thì nguy cơ dịch tấn công các trang trại lớn ngày càng cao; trại càng lớn, thiệt hại càng nặng”, ông Quang cảnh báo.
Tính đến ngày 2/7, toàn tỉnh hiện có 33 xã phường thuộc 8 huyện và thành phố Biên Hòa có DTLCP. Số lợn bị tiêu hủy lên đến gần 47.000 con. Chỉ còn lại 2 địa phương là thành phố Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ đến nay chưa xuất hiện dịch. |