Dân Việt

Đức Đạt Lai Lạt Ma xin lỗi vì phát ngôn “nhạy cảm” về người kế nhiệm nữ

Việt Anh - CNN 03/07/2019 16:55 GMT+7
Nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng chính thức đưa ra lời xin lỗi sau khi đã có những bình luận gây tranh cãi về người có thể kế nhiệm của mình.

img

Đức Đạt Lai Lạt Ma chính thức lên tiếng xin lỗi sau những bình luận gây tranh cãi về người kế nhiệm mình (Ảnh:BBC)

Trước đó, khi được mời phỏng vấn trên BBC, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khiến dư luận chỉ trích khi ông cho rằng một người kế nhiệm mới cho vị trí của mình có thể là một phụ nữ, nhưng với điều kiện người đó phải ưa nhìn, nếu không thì sẽ “không hữu ích lắm.”

Trong một thông báo mới được đưa ra vào hôm nay, văn phòng đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết: “Đức Pháp Vương thực sự không có ý xúc phạm ai. Ngài vô cùng lấy làm tiếc cho những ai đã bị tổn thương bởi những lời nói của mình, và muốn được gửi lời xin lỗi chân thành nhất.”

“Đức Đạt Lai Lạt Ma đã luôn nhấn mạnh đến "nhu cầu để mọi người kết nối với nhau ở mức độ sâu sắc hơn của con người, thay vì bị cuốn vào những định kiến dựa trên những biểu hiện bề ngoài", thông báo cho biết.

Cũng theo văn phòng đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài luôn có “một ý thức sâu sắc về những mâu thuẫn giữa các thế giới vật chất, về vấn đề toàn cầu hóa mà Ngài đã được tiếp xúc trong những chuyến đi của mình, và những ý tưởng phức tạp, huyền bí về sự tái sinh vốn là trái tim của truyền thống Phật giáo ở Tây Tạng. Tuy nhiên, những đánh giá không đúng mực đôi khi vẫn xảy ra, khi chúng có thể mang tính giải trí ở một bối cảnh văn hóa này, nhưng khi dịch ra thì lại mất đi tính hài hước của chúng ở một nền văn hóa khác.”

Thông báo cũng tiếp tục khẳng định Đức Đạt Lai Lạt Ma phản đối việc hạ thấp phẩm giá phụ nữ và luôn ủng hộ bình đẳng giới; dưới sự lãnh đạo của ông, các nữ tu người Tây Tạng lưu vong đã có thể đạt được bằng Geshe-ma – một học bổng cao cấp vốn chỉ dành cho các nam tăng.

Hiện vẫn chưa rõ ai có thể thay thế vị trí của Đức Đạt Lai Lạt Ma sau khi ông viên tịch. Vị Pháp Vương hiện đã 83 tuổi này trước đó đã cho rằng điều này “phụ thuộc vào người dân Tây Tạng” để quyết định thông lệ này có nên tiếp tục hay không.

Phật tử Tây Tạng coi Đạt Lai Lạt Ma là kiếp luân hồi từ 13 vị tiền bối của mình. Các nhà lãnh đạo này được cho là hiện thân của Bồ tát, hay Đức Phật, của bậc Từ Bi, hay những bậc giác ngộ, những người chọn cách tái sinh để phụng sự người trần.

Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện vẫn đang sống tại Ấn Độ sau khi rời khỏi Tây Tạng vào năm 1959. Trong suốt thời kỳ lưu vong, ông đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ việc thuyết giảng những thông điệp về lòng bao dung và hòa bình. Ông đã được trao giải Nobel Hòa Bình vào năm 1989.

Đức Đạt Lai Lạt Ma hé lộ yêu cầu đặc biệt về người kế nhiệm nữ

Chia sẻ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 khiến nhiều người tranh cãi dữ dội.