Nhìn từ địa phương
Năm 2016, Luật KTTV ra đời và được cụ thể hóa thi hành ở các địa phương và đạt được một số kết quả nhất định. Bên cạnh đó, cũng có những vướng mắc cần tháo gỡ.
Ở tỉnh Quảng Trị, công tác thi hành pháp luật về KTTV luôn được UBND tỉnh quan tâm. Sau khi Luật KTTV ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức 3 lớp tập huấn phổ biến Luật KTTV và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho hơn 300 cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố nhằm tuyên truyền, phổ biến nội dung của luật và pháp luật về KTTV; treo băngrôn, panô vào các Ngày Khí tượng thế giới 23/3, Giờ Trái đất… Đồng thời, thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ, quy định trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động KTTV, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực KTTV trên địa bàn tỉnh.
Tuyên truyền về pháp luật khí tượng thủy văn cho học sinh, sinh viên. Ảnh: N.T
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái, cần coi thông tin khí tượng thủy văn là thông tin nền tảng, hạ tầng để quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hình thành thị trường dịch vụ KTTV phục vụ các địa phương. |
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành quy chế phối hợp quản lí nhà nước về KTTV và biến đổi khí hậu, Bộ Thủ tục hành chính cấp tỉnh về KTTV.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật KTTV trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Một số nơi còn tình trạng vi phạm các quy định về hành lang kỹ thuật và bảo vệ các công trình KTTV, lực lượng cán bộ quản lý KTTV còn mỏng chưa được đào tạo chuyên sâu…
Cũng giống như Quảng Trị, Hà Tĩnh là một trong những địa phương ở miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của các loại hình thiên tai hàng năm, Chi Cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước, Sở TNMT Hà Tĩnh Phạm Hữu Tình chia sẻ, công tác KTTV trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có những vướng mắc cần tháo gỡ. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về KTTV còn hạn chế về chiều sâu, nhận thức pháp luật về KTTV của người dân chưa cao.
Theo ông Phạm Hữu Tình, để tăng cường hoạt động KTTV ở miền Trung, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật KTTV dần hướng tới chiều sâu rất quan trọng. Cùng với đó, phải có cơ chế chia sẻ số liệu KTTV từ Đài KTTV khu vực để các Sở TNMT cũng như các sở, ngành địa phương có số liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước.
Nâng cao công tác tuyên truyền
Về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho hay, tại mỗi địa phương, các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV mỗi tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương. Đồng thời, các tỉnh cũng cần có sự hỗ trợ, kết nối đối với các Đài KTTV.
Ông Trần Hồng Thái khẳng định, Luật KTTV ra đời được 3 năm nhưng quá trình triển khai luật tại các địa phương ở miền Trung còn hạn chế. Đầu tiên là hạn chế trong công tác tuyên truyền phổ biến luật, sự chia sẻ thông tin của ngành KTTV. Tiếp đến, lực lượng quản lý Nhà nước về KTTV tại các địa phương rất mỏng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ngành dọc là Tổng cục KTTV và các Đài KTTV tỉnh, Đài KTTV khu vực với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
Điều quan trọng hơn cả là cần thiết đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống pháp luật chính sách trong lĩnh vực KTTV. Trong đó, cần thiết ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật KTTV; quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước (khu vực miền Trung)…