Tiếp theo loạt bài "Vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long - những vết thương khó chữa", nhằm làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như vai trò của cơ quan chức năng đối với việc bảo vệ vùng lõi di sản của vịnh Hạ Long trước những xâm hại nhân tạo, Dân Việt đã tìm gặp Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình trong cuộc trò chuyện với PV Dân Việt. (Ảnh: Thanh Hà)
Là người lập hồ sơ đầu tiên và dường như đồng hành với di sản thiên nhiên thế giới – Vịnh Hạ Long từ những năm đầu thập kỷ 90 của TK XX đến nay, GS.TS Trương Quốc Bình – nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) và là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã có những chia sẻ thẳng thắn với Dân Việt xung quanh việc di sản thiên nhiên thế giới – Vịnh Hạ Long - bị xâm hại với những công trình xây dựng sai phép.
Thưa GS.TS Trương Quốc Bình, là người đầu tiên lập hồ sơ và đồng hành thời gian khá dài với di sản Vịnh Hạ Long, ông nghĩ sao khi di sản thiên nhiên được thế giới thừa nhận đang trong tình trạng bị xâm hại và bê tông hoá như hiện nay?
- Tôi là một trong số những người phải chịu trách nhiệm xây dựng hồ sơ để Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu vào năm 1994. Năm 2000 vịnh Hạ Long tiếp tục được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị toàn cầu nổi bật về địa chất, địa mạo.
Khi xây dựng hồ sơ cho Vịnh Hạ Long vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta lựa chọn tiêu chí về giá trị thẩm mỹ của di sản. Thời điểm đó giá trị thẩm mỹ thuận lợi hơn bởi Vịnh Hạ Long còn hoang sơ, tự nhiên, ít có sự can thiệp của con người.
Mặc dù lúc đó vẫn còn có sự hoạt động tấp nập của cảng than Hòn Gai, phà Bãi Cháy, nhưng UBND tỉnh Quảng Ninh thời điểm đó đã nỗ lực di dời các cảng than, trả lại cảnh quan môi trường tự nhiên cho Vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên vài năm trở lại đây, cảnh quan thiên nhiên của Vịnh Hạ Long đã bị can thiệp quá sâu bởi việc xây dựng ồ ạt theo cách đô thị lấn biển. Điều này khiến tôi cảm thấy rất xót xa và tiếc nuối. Từ nhiều năm trước người ta đã từng bước tác động otwis những giá trị thiên nhiên vốn có của đảo Tuần Châu khi xây đường ra đảo ngăn chặn nước ở bờ vịnh không lưu thông ra biển, rồi xây khách sạn, công viên nước, biểu diễn cá heo, cảng tàu du lịch.
Những năm gần đây, việc san lấp dọc ven biển suốt từ Bãi Cháy qua Hòn Gai để xây những khu chung cư, nhà lô chắn hoàn toàn bờ biển khiến cho chúng tôi hết sức ngỡ ngàng về tốc độ phát triển “phi mã” của đô thị này. Thậm chí bên Hòn Gai, từ núi Bài Thơ kéo dài ven Vịnh đường đi ra Cẩm Phả cũng đang được xây dựng.
Hay chủ trương đầu tư mở rộng tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn qua các phường Hồng Hà, Hồng Hải, cụ thể tuyến đường bao biển sẽ dài 2,4km, được nâng thành 6 làn xe, đường mở rộng phải lấn là 28m ra phía biển, cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan của Vịnh Hạ Long.
Công trình đền Bà Men do người dân tự ý xây dựng, tôn tạo khi chưa thông báo và làm thủ tục xây dựng với cơ quan quản lý. (Ảnh: N.Q)
Không chỉ tại các khu vực được coi là vùng đệm của Hạ Long bị xâm phạm mà ngay trong vũng lõi của Khu Di sản thiên nhiên này cũng đã và đang bị biến dạng bởi sự can thiệp thô bạo của con người, với không ít các hoạt động nhân danh việc khai thác di sản, xây dựng bến tàu, làm đường lên xuống và thậm chí cải tạo lòng hang động để mở tiệc.
"Để tránh tình trạng như đã từng xảy ra như ở Tràng An, Ninh Bình, những hoạt động xâm phạm trong vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới ở Vịnh Hạ Long cần có sự vào cuộc của Bộ Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật". |
Đáng nói hơn, là cơ quan quản lý trực tiếp di sản thiên nhiên thế giới nhưng Ban quản lý di sản Vịnh Hạ Long còn là chủ đầu tư của một số công trình đang được thi công tại đây với "chiêu bài" mở rộng thêm các tour du lịch, và cần có chỗ để đưa khách đến tham quan. Đó là điều khiến chúng tôi rất bức xúc
Ngoài ra, như báo chí đã đưa tin, hai công trình được UBND tỉnh cấp phép là các bến tàu tại hang Tiên Ông, động Mê Cung đang xây dựng nhưng chưa hề có báo cáo về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo luật định. Đây là hành vi cũng không thể chấp nhận được và chỉ đến khi báo chí đưa tin, họ mới bổ sung.
Theo chúng tôi, việc tiền trảm hậu tấu, xây dựng trước khi được cấp phép, không làm đúng theo thủ tục quy trình là vi phạm luật pháp. Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân cơ bản của tình trạng bất tuân pháp luật về di sản cũng bởi quyền lợi kinh tế quá lớn. Nhiều đơn vị bất chấp pháp luật để đạt quyền lợi.
Thưa Giáo sư, việc xây dựng ồ ạt tại các đảo, bến cầu tàu, đường bê tông tới các hang, đảo như này sẽ tác động tới môi trường và cảnh quan Vịnh Hạ Long ra sao?
- Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới bởi những giá trị về thẩm mỹ và giá trị địa chất cùng những giá trị đặc sắc về đa dạng sinh học. Nếu như việc tác động của con người vào di sản thiên nhiên một cách khéo léo và tự nhiên, di sản sẽ không bị nhiều ảnh hưởng, tác động.
Bởi nói gì thì nói, cũng như các di sản văn hóa hay di sản thiên nhiên thế giới khác, Hạ Long cũng phải đáp ứng được hai hai mục tiêu cơ bản là vừa bảo tồn nhưng cũng phải phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, phải hết sức thận trọng khi thực hiện những dự án, những công việc nhằm phát huy giá trị của di sản, cụ thể là phục vụ phát triển du lịch. Rõ ràng rằng, việc lạm dụng các dự án tôn tạo đã và đang gây ra những hệ lụy không nhỏ đến công tác bảo tồn di sản, đặc biệt là cảnh quan môi trường.
Thứ nhất, các dự án làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính toàn vẹn cùng những giá trị đặc hữu về thẩm mỹ, về địa chất và đa dạng sinh học của di sản.
Thứ hai, việc xây dựng khi đã có sự đồng ý, cấp phép của Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Quảng Ninh nhưng lại không có sự giám sát, khiến công trường bề bộn, ngổn ngang bê thông, cốt thép đã ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường điều này đã ảnh hưởng tới việc thăm quan của du khách.
Thứ ba là môi trường, đặc biệt môi trường nước rất nhạy cảm. Rác thải là nhựa, những rác thải từ chính công trình được thải ra biển đã ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường, hệ sinh thái nước biển tại các đảo.
Việc di sản thiên nhiên thế giới – Vịnh Hạ Long đang bị xâm hại và bê tông hoá như hiện tại có vi phạm tới Công ước UNESCO và liệu Vịnh Hạ Long có đứng trước nguy cơ bị tước quyền công nhận là di sản thiên nhiên thế giới hay không, thưa GS?
- Tôi còn nhớ, khi Quảng Ninh cho xây cầu Bãi Cháy, UNESCO đã chất vấn Việt Nam tại sao lại xây dựng cây cầu làm mất cảnh quan đối của di sản thiên nhiên thế giới. Thậm chí Tổ chức này còn quay sang chất vấn Nhật Bản vì đã không tuân thủ những quy định ghi trong công ước của UNESCO khi tài trợ cho Việt Nam xây dựng cầu làm ảnh hưởng đến di sản.
Họ chỉ bị thuyết phục khi chúng ta giải thích việc làm cây cầu này đã hạn chế những tác động hết sức to lớn đến môi trường nước của Hạ Long khi chúng ta không còn duy trì hoạt động của phà Bãi Cháy.
Cần lưu ý rằng, đồng thời với các giải pháp tiếp nhận báo cáo kết quả quản lý bảo tồn các di sản thế giới, UNESCO còn nhiều kênh khác nhau để nắm bắt những tinh trạng quản lý các di sản này.
Ví dụ như những chuyến khảo sát âm thầm từ các chuyên gia của Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới; Hội bảo vệ động vật hoang dã (WWF); Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và những ý kiến đánh giá của du khách qua các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại.
Chính do có những ý kiến trực tiếp về sự can thiệp khá sâu tới di sản thiên nhiên thế giới nên đã có thời gian, Vịnh Hạ Long bị đưa vào danh sách cần phải xem xét.
Cho đến thời điểm này, các tổ chức quốc tế vẫn rất quan tâm đến di sản thiên nhiên thế giới – Vịnh Hạ Long - đang được bảo tồn như thế nào. Vì vậy, việc xây dựng các tàu tại hang Tiên ông và động Mê Cung, bến cập tàu tại hang Cỏ và hòn Cây Chanh… sẽ bị coi là những hành vi chưa tuân thủ quy định về bảo tồn di sản và nếu không được chấn chỉnh thì việc xoá tên di sản trong tương lai là nguy cơ hiện hữu.
Thưa Giáo sư, để tình trạng tồn tại những dự án xây dựng trong vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới - Vịnh Hạ Long - trong đó có những công trình sai phép, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể Cục di sản văn hóa ra sao?
- Tôi vốn là người của Cục Di sản văn hóa, cũng là Trưởng Ban Thư ký Ban soạn thảo Luật Di sản văn hoá. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, việc quản lý nhà nước ở nước ta hiện nay về di sản là chưa hữu hiệu. Vẫn còn tồn tại tình trạng vi phạm diễn ra như tùy tiện sơn đình, phá dỡ khung gỗ để làm bê tông giả gỗ rồi đổ thừa trách nhiệm cho nhau, từ cấp xã đến cao hơn...
Trước những vấn đề đang xảy ra tại vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long, nhằm có ý kiến đa chiều từ cơ quan quản lý Nhà nước, từ ngày 27/6 cho đến 3/7, nhiều lần PV Dân Việt liên hệ với lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng như lãnh đạo Cục Di sản văn hóa để có những trao đổi cụ thể, tuy nhiên, những người có trách nhiệm đều từ chối trả lời PV. |
Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta dù chưa được đầy đủ nhưng đã có và đi vào đời sống, nhưng việc thực thi lại chưa nghiêm.
Tôi lấy ví dụ, việc xây cầu tại di sản Tràng An, Ninh Bình cũng không được giải quyết nghiêm khắc và triệt để. Người ta làm mấy tháng những tỉnh Ninh Bình lại bảo là không biết (?). Chuyện tày đình như vậy mà mọi chuyện cứ như không. Tôi đã từng trả lời trước công luận là cần phải khởi tố vụ án hình sự trong lĩnh vực di sản văn hoá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nói tại Hội nghị về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” ngày 27/7/2018 rằng: “Di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta hoặc do kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần: Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”.
Ngày 21/9/2017, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Nghị định số 199/TTg về quản lý các di sản thế giới thế mà Tràng An – Ninh Bình lại xây luôn trong thời điểm Thủ tướng vừa ký Nghị định.
Vì vậy, theo tôi để tránh tình trạng như đã từng xảy ra như ở Tràng An, Ninh Bình, những hoạt động xâm phạm trong vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới ở Vịnh Hạ Long cần có sự vào cuộc của Bộ Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Luật Di sản cần phải được thực thi nghiêm nhằm bảo tồn những di sản văn hóa và thiên nhiên vô giá của quốc gia dân tộc.
Xin cám ơn GS.TS Trương Quốc Bình!
TS Đỗ Văn Trụ - Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam Vịnh Hạ Long là di sản nổi tiếng được cả thế giới biết đến, qua hàng triệu năm Hạ Long mới hình thành được hệ thống hang động, cảnh quan, các hòn đảo đẹp đến như vậy. Đây là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung. Vì vậy khi chúng ta định làm gì cũng phải cân nhắc rất kỹ. Với những công trình xây dựng lấn biển hay tại các hang Cỏ và hòn Cây Chanh được xây dựng một bờ kè dài 170 m bằng đá, đổ bê tông mặt dày 20 cm; công trình kè đầm phía sau đảo Đầu Gỗ, công trình kè đầm và một số hạng mục phụ trợ tại hang Hanh, công trình kè đầm tại hòn Vụng Ba Cửa, công trình kè đầm tại Vụng Ong, công trình kè đầm hòn Vụng Hà… đang được báo chí đưa tin đang gây mất cảnh quan và xét theo căn cứ luật di sản của Việt Nam và công ước của UNESCO là vi phạm. Đây là điều tôi cảm thấy tiếc cho di sản thiên nhiên thế giới - Vịnh Hạ Long. Hơn nữa việc chúng ta đang làm chắc UNESCO cũng rất quan tâm và sẽ xem xét nó tác động như thế nào tới di sản. Nếu như Việt Nam không thực hiện đúng tiêu chí bảo tồn giữ gìn di sản theo quy định của UNESCO, chắc chắn họ sẽ loại Vịnh Hạ Long ra khỏi di sản thiên nhiên thế giới. Do vậy tôi mong UBND tỉnh Quảng Ninh cần cân nhắc kỹ và có quy hoạch cụ thể, có ý kiến của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, thậm chí cần có sự tham vấn của UNESCO. Không thể vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng lâu dài tới di sản, để sau này con cháu sẽ không được hưởng lợi từ chính những việc chúng ta đã quyết định và làm. PGS.TS Nguyễn Ngọc Mai - Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXHVN Việc xây dựng sẽ có tác động về môi trường, cảnh quan không tốt. Ví dụ khi những hang động được để nguyên trạng thì yếu tố tự nhiên sẽ được giữ gìn, lượng du khách vào hang cũng không quá tải, đảm bảo độ bền của hang động. Trong khi những công trình mà báo chí đã nêu về bến cập tàu tại hang Cỏ và hòn Cây Chanh thuộc Vịnh Hạ Long được xây dựng bờ kè dài 170m bằng đá, đổ bê tông mặt dày 20cm; hang Tiên Ông, động Mê Cung… để tạo sự thuận lợi cho du khách kéo theo thu hút số lượng du khách quá tải đi vào hang. Điều này sẽ gây dư chấn, làm hỏng cấu trúc thiên nhiên của hang động. Bên cạnh đó, lượng khách đông kéo theo việc xả rác nên gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan. |