Dân Việt

Trung Quốc giúp “thế lực mới nổi” Campuchia xây loạt kho trữ gạo

Nguyễn Vy 05/07/2019 09:30 GMT+7
Khoảng 12 cơ sở lưu trữ gạo và 10 máy sấy lúa công suất lớn sẽ được xây dựng trên khắp 11 tỉnh, thành ở Campuchia. Dự án này nhằm đẩy mạnh năng lực sản xuất và xuất khẩu gạo của Campuchia - "thế lực mới nổi" trên thị trường gạo trong thời gian tới.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia đã hợp tác với Công ty CITIC (Trung Quốc) thực hiện dự án xây dựng kho trữ gạo và máy sấy trên khắp Campuchia.

Cụ thể, hợp đồng Kỹ thuật, Mua sắm và Xây dựng (EPC) đã được ký kết giữa ông Pan Sorasak - Bộ trưởng Thương mại Campuchia và ông Chen Xiaojia - Chủ tịch Công ty Xây dựng CITIC (Trung Quốc).

img

Campuchia sẽ xây khoảng 12 cơ sở lưu trữ gạo và 10 máy sấy lúa công suất lớn. Ảnh minh họa

Dự án được thực hiện theo khoản vay ưu đãi từ chính phủ Trung Quốc dành cho chính phủ Campuchia. Theo hợp đồng, công ty Trung Quốc sẽ xây dựng 12 cơ sở lưu trữ gạo với tổng công suất 827.000 tấn và 10 máy sấy lúa với tổng công suất 13.000 tấn/ngày tại 11 tỉnh của Campuchia.

Những tỉnh này là Pursat, Battambang, Takeo, Banteay Meanchey, Siem Reap, Kampong Thom, Kampong Cham, Prey Veng, Kandal, Kampong Speu, và Preah Sihanouk.

"Với dự án này, chính phủ hy vọng Campuchia sẽ đủ năng lực để gia tăng xuất khẩu gạo ra thị trường quốc tế và nâng cao danh tiếng gạo Campuchia", đại diện Chính phủ Campuchia thông tin.

img

Việc xây dựng các kho gạo và máy sấy này sẽ giúp Campuchia đạt được mục tiêu xuất khẩu ít nhất 1 triệu tấn gạo mỗi năm trong tương lai. Ảnh: Thuận Hải.

Ngoài ra, việc xây dựng các kho gạo và máy sấy này sẽ giúp Campuchia đạt được mục tiêu xuất khẩu ít nhất 1 triệu tấn gạo mỗi năm trong tương lai. Hiện tại, Campuchia được xem là “đối thủ” mới nổi đáng gờm của một số nhà xuất khẩu gạo ở khu vực châu Á. Ngoài việc đẩy mạnh sản lượng, Campuchia cũng chú trọng chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo xuất khẩu.

Theo dữ liệu của Chính phủ Campuchia, nước này đã xuất khẩu tổng cộng gần 250.200 tấn gạo xay trong 5 tháng đầu năm 2019, trong đó hơn 109.200 tấn (tương đương 43,6%) được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngoài Trung Quốc, gạo Campuchia cũng đã có mặt tại Pháp với sản lượng 31.800 tấn, Hà Lan (7.600 tấn), Tây Ban Nha (6.200 tấn), Đức (hơn 5.100 tấn), Malaysia (hơn 12.700 tấn) và nhiều nước khác.

Bộ Nông nghiệp Campuchia cũng cho biết, trong năm 2018 Campuchia đã sản xuất 10,8 triệu tấn gạo, tăng 3,3% so với năm trước đó.

img

Campuchia đang nổi lên trở thành đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Vy

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang Võ Nguyên Nam, dự báo thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2019 có thể tiếp tục gặp khó khi Trung Quốc (thị trường nhập khẩu chính của gạo Việt Nam) vừa giảm hạn ngạch nhập khẩu gạo thêm 1 triệu tấn (từ 4,5 triệu tấn xuống còn 3,5 triệu tấn). Trong khi đó, Campuchia lại được xuất khẩu 300.000 tấn gạo mang thương hiệu Campuchia sang Trung Quốc.

“Campuchia đang nổi lên trở thành đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam mất lợi thế hơn khi chưa xây dựng được thương hiệu gạo, trong khi Campuchia đã có thương hiệu”, ông Nam phân tích.