Dân Việt

Đà Nẵng: Lão nông Cơ Tu quyết giữ sản vật "của nhà trồng được"

Diệu Bình – Trần Hậu 07/07/2019 13:46 GMT+7
Giữa muôn vàn tác động từ đời sống thường nhật, sản phẩm rượu cần truyền thống của đồng bào Cơ Tu đã trải qua bao thăng trầm, đứt đoạn. Nhưng với người dân tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) rượu cần đã trở thành nếp sống, tồn tại như trong từng hơi thở. Đồng bào vẫn cần mẫn, miệt mài ngày đêm giữ men rượu lưu mãi với núi rừng Trường Sơn.

Quyết giữ sản vật của núi rừng

Nấu rượu cần là nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu dọc dãy Trường Sơn. Trong mâm cỗ ngày Tết dâng ông bà, tổ tiên không thể thiếu chén rượu cần - thứ sản vật chắt chiu từ tinh hoa của lộc rừng, nương rẫy. Bởi vậy ở Phú Túc, nghề rượu cần là nghề nối đời.

img

Dù trải qua bao thăng trầm, đứt đoạn nhưng sản phẩm rượu cần vẫn tồn tại, đã trở thành nếp sống, như từng hơi thở của đồng bào Cơ Tu.

Câu chuyện giữ lửa nghề lắm gian nan, chiến tranh ly lạc, rồi đời sống du canh du cư, mùa màng trông nhờ vào cây lúa, nương rẫy nhiều năm thất bát và nhiều lý do khách quan khác tác động, nghề nấu rượu cần ở Phú Túc đứt quãng, mai một dần.

Trước đây, thôn có 8 hộ tham gia sản xuất rượu cần nhưng chỉ sau 1-2 năm thì họ không trụ nổi với nghề do thiếu vốn. Tuy nhiên, để giữ nghề, lão nông Lê Văn Nghĩa, 66 tuổi, người Cơ Tu (ở thôn Phú Túc, xã Hà Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đã quyết tâm “bám trụ” để giữ nghề truyền thống.

img

Cái tâm, tình của người nấu cùng với bàn tay tài hoa khéo léo đã tạo nên men rượu thơm lừng, quyến rũ mà bất cứ ai cũng không cưỡng lại được.

Trò chuyện cùng Dân Việt, lão nông Lê Văn Nghĩa –được xem là một trong những người có công xây dựng thương hiệu rượu cần Phú Túc cho hay, để làm được rượu ngon, ngoài bí quyết gia truyền, người làm rượu cần phải có những kiến thức căn bản như chọn nếp rẫy, ngon, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước sạch, không phèn…

img

Du khách rất thích thú khi thưởng thức rượu cần Phú Túc.

“Ngoài ra, men làm rượu phải được lấy ở nơi có uy tín và thương hiệu. Phải chọn trấu sạch, không nát, đặc biệt nên lấy vào vụ xuân hè để không bị bùn, ẩm mốc do mưa lũ. Nếp được ngâm tối thiểu 12 giờ đồng hồ, rồi sau đó phải vuốt cho trong và sạch để khỏi bị chua. Tiếp theo, hong chung cả nếp và trấu đã được rửa sạch. Sự kết hợp này sẽ giúp hạt nếp và trấu chín đều mới ngon. Cuối cùng, đem nguyên liệu này ra trải nguội và trộn men, rồi ủ từ 12 - 24 giờ ngoài trời, sau đó bỏ vào ché ủ tiếp ít nhất từ 01 - 18 tháng thì mới thành rượu…”, ông Nghĩa chia sẻ.

Nâng tầm thành sản phẩm OCOP

Mỗi ché rượu (hủ 6 lít, tùy loại) có giá khoảng từ 300.000 đồng trở lên. Nếu đã một lần nếm thử loại rượu này, ắt hẳn sẽ cảm nhận được hương vị thơm nồng của men rượu. Cái tâm, tình của người nấu cùng với bàn tay tài hoa, khéo léo đã tạo nên men rượu thơm lừng quyến rũ mà bất cứ ai cũng không cưỡng lại được.

img

Ông Lê Văn Nghĩa - một trong số hộ ít ỏi còn lưu giữ được thương hiệu rượu cần Phú Túc.

“Với người Cơ Tu, gần như nhà nào cũng thạo nghề làm rượu cần. Ngày trước rượu làm ra để bán thì ít, chủ yếu để dùng cho những dịp cúng lễ, giao đãi bạn bè, hay nhấp đôi chén khi cái chân mỏi không lên rẫy được. Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo mà tôi đã mở rộng được quy mô sản xuất, sản lượng hơn 18.000 lít/năm, đã gây dựng lại được thương hiệu rượu cần đối với khách hàng…”, ông Nghĩa hồ hởi nói

img

Sản phẩm rượu cần của ông Lê Văn Nghĩa được đăng ký nhãn hiệu và hiện nay đang được chính quyền địa phương chọn để xây dựng thành sản phẩm OCOP đặc trưng của đồng bào Cơ Tu.

Theo bà Nguyễn Thị Lý – Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho hay, chính quyền và Sở Công Thương rất quan tâm, hỗ trợ và khuyến khích người dân phục dựng lại nghề nấu rượu cần bởi vì đây vừa là một nét văn hóa dân tộc độc đáo cần được lưu giữ và cũng là nguồn để phát triển kinh tế cho địa phương. Sản phẩm rượu cần Phú Túc sẽ được chính quyền địa phương xây dựng thành sản phẩm OCOP đặc trưng của đồng bào Cơ Tu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và bảo tồn những nét đẹp mang giá trị truyền thống của người dân nơi đây.