Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
Theo báo cáo của Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2019, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, nhờ đó đã góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm chế lạm phát, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Mặt bằng lãi suất ổn định, cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực
Mặt bằng lãi suất trong 6 tháng đầu năm cơ bản tiếp tục ổn định, hiện lãi suất cho vay của các TCTD phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, khoảng 9-11%/năm đối với trung - dài hạn.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế đan xen những thuận lợi, khó khăn, NHNN đã chủ động điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Tình hình thị trường ngoại hối 6 tháng đầu năm tương đối ổn định, tỷ giá diễn biến bám sát điều kiện thị trường; thanh khoản đảm bảo, giao dịch ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Với việc triển khai nhiều giải pháp điều hành tín dụng, tín dụng toàn Ngành tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng trong tầm kiểm soát.
Vì vậy, mặc dù những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn và được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng cao, cho thấy tín dụng được phân bổ hiệu quả và có chất lượng.
Xử lý xử lý được trên 900 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Cũng theo số liệu cung cấp tại Hội nghị, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, ước tính toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 937,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, đã xử lý được 163,14 nghìntỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước đến cuối tháng 6/2019 là 1,91%.
Về kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42: Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống TCTD ước đã xử lý được 264,06 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 127,641 nghìn tỷ đồng.
Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, phần nào phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi TCTD, VAMC có quyền thu giữ TSBĐ theo Nghị quyết số 42.
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị
Cùng với công tác xử lý nợ xấu, công tác cơ cấu lại các TCTD cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Kết quả cơ cấu lại các TCTD đã tạo sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững, thể hiện ở các mặt như: Năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; Năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế, sự minh bạch trong hoạt động của hệ thống các TCTD đã được nâng cao một bước...