Ngày 6/7, thông tin từ Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (SAGRI), quy định tại Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.
Đồng thời Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các bị can Lê Tấn Hùng, 56 tuổi, nguyên tổng giám đốc SAGRI và Nguyễn Thành Mỹ, 60 tuổi nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư.
Ông Lê Tấn Hùng (trái) và Nguyễn Thành Mỹ tại cơ quan điều tra. (Ảnh: Bộ Công an)
Cả hai cùng bị khởi tố điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.
Động thái này được đưa ra sau hơn một năm Sagri bị Thanh tra TP HCM và Kiểm toán Nhà nước xác định xảy ra hàng loạt hành vi sai phạm.
"Đất vàng" bán rẻ như cho dưới thời ông Lê Tấn Hùng
Trong kết luận chuyển sang cơ quan điều tra, Thanh tra TP HCM xác định, quá trình ông Hùng quản lý, điều hành hoạt động của Sagri (từ năm 2016) có nhiều thiếu sót, khuyết điểm. Trong đó, nổi bật là sai phạm liên quan dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9).
Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2017, Hội đồng thành viên (HĐTV) Sagri thống nhất phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9) có tổng diện tích 3,75 ha cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú với giá chuyển nhượng hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2)
Nghịch lý ở chỗ, mức giá mà Sagri chuyển nhượng dự án này thấp hơn giá mà Tổng công ty Phong Phú huy động vốn từ khách hàng năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và chỉ bảng 1/3 so với giá chuyển nhượng của dự án liền kề (khoảng 29 triệu đồng/m2).
Trong dự án này, Sagri sử dụng 3,75 ha đất hợp tác với giá trị vốn góp có tỷ lệ 28%, Tổng công ty Phong Phú là 72%.
Theo Thanh tra TPHCM, Sagri chuyển nhượng vốn góp (quyền sử dụng đất) tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường là chưa đúng quy định.
Sagri cũng bị cho là báo cáo không trung thực khi đã ủy quyền cho Tổng công ty Phong Phú tìm kiếm đối tác góp vốn, khách hàng mua nhà ở tại dự án (thực hiện phân lô bán nền từ năm 2012) nhưng 5 năm sau lại có văn bản gửi UBND thành phố cam kết "chưa huy động vốn". Việc này có khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Cũng trong giai đoạn này, công ty cổ phần Lâm Nghiệp Sài Gòn – Forimex (Forimex là công ty thành viên của Sagri với tỷ lệ vốn góp trên 26%) còn bán hơn 3,6 ha đất trồng cây lâu năm ở Phú Quốc với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường khoảng 3 triệu đồng.
Chưa kể, khu đất này được Sở Tài nguyên - Môi trường Kiên Giang cho Forimex thuê khu đất để trồng cây lâu năm. Trong hợp đồng có điều khoản "... không được chuyển giao quyền sử dụng cho bên thứ ba...".
Để thực hiện việc này, người đại diện vốn của Sagri (hơn 26%) tại Forimex đã biểu quyết chuyển nhượng khu đất trước khi xin ý kiến hội đồng thành viên Sagri. Theo kết luận thanh tra, việc bán đất giá bèo nói trên là trái quy định, đặc biệt là vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Kiên Giang.
Hàng loạt dự án đất vàng của Sagri về Tập đoàn Trung Thuỷ
Cơ quan thanh tra TP.HCM xác định Sagri có nhiều sai phạm trong những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất "khủng" nhưng không xin ý kiến của UBND thành phố hoặc chưa được chấp thuận giao đất, chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất.
Trong đó, đáng chú ý là những thương vụ hợp tác đầu tư của Sagri có liên quan đến Tập đoàn Trung Thuỷ, một tập đoàn bất động sản có tiếng trên thị trường địa ốc, được điều hành bởi ông Nguyễn Trung Tín (chồng của hoa hậu Thu Thảo - pv).
Một trong những thương vụ đáng chú ý mà Kiểm toán Nhà nước chỉ ra sai phạm tại Văn bản số 386/TB-KTNN ngày 15/8/2018, đó là việc thành lập pháp nhân mới công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Sagri để thực hiện Dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi, với tổng diện tích đất 650ha và tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng.
Công ty này có vốn điều lệ 164 tỷ đồng, trong đó Trung Thuỷ góp 104,96 tỷ đồng tương đương 64% vốn điều lệ, Sagri góp 59 tỷ đồng tương ứng 36%. Theo thoả thuận, Trung Thuỷ cho Sagri vay toàn bộ số tiền góp vốn mà không tính lãi trong 3 năm kể từ ngày thành lập công ty.
Ngày 30/12/2016, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận đầu tư dự án Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho Trung Thuỷ Sagri.
Việc hợp tác thành lập pháp nhân mới là Công ty Trung Thủy Sagri để thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng bị Thanh tra TP xác định là sai phạm. Cụ thể, Công ty Bò sữa TP.HCM đã giao đất cho Công ty Trung Thủy Sagri khi chưa có văn bản chấp thuận giao đất của UBND TP.HCM; đồng thời khu đất 650ha này do Công ty Bò sữa thuê đất hàng năm nhưng Sagri đã sử dụng mặt bằng khu đất làm vốn góp là vi phạm quy định tại Điều 175 Luật Đất đai.
Cũng theo văn bản của Kiểm toán Nhà nước, Sagri đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy thành lập pháp nhân mới là Công tyTNHH Trung Thủy Agri để thực hiện ngành nghề kinh doanh bất động sản, là ngành nghề phải thoái vốn theo Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thuộc lĩnh vực không được phép đầu tư theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
Sagri được xác định đã bàn giao 140 ha đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Agri khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, bằng việc hợp tác với Sagri, Tập đoàn Trung Thuỷ của ông Nguyễn Trung Tín cũng đã thâu tóm thành công nhiều lô đất vàng tại TP.HCM. Đơn cử như Dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ quận Bình Thạnh được hợp tác vào năm 2016. Thời gian hợp tác là 20 năm.
Đây chính là cao ốc văn phòng DreamPlex 2 do Tập đoàn Trung Thủy khai thác kinh doanh, có 3 tầng không gian làm việc chung cho các startup và công ty với diện tích mỗi tầng khoảng 700 m2; một hội trường với sức chứa 220 người. Hiện toà nhà đã đi vào hoạt động và đang được Tập đoàn Trung Thuỷ khai thác kinh doanh. Khoản chia doanh thu = tiền thuê đất + khoản chia hợp tác. Khoản chia hợp tác 5 năm đầu là 11,7 tỷ đồng.
Từ năm 2015 đến 2017, Sagri cũng đã ký 7 hợp đồng hợp tác thành lập pháp nhân mới với công ty bên ngoài để kinh doanh trên các khu đất có diện tích 794 ha. Trong số đó, 6 hợp đồng là hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư trên 16 khu đất của Sagri với tổng diện tích 26,4 ha, bất chấp theo quy định, bất động sản thuộc ngành kinh doanh phải thoái vốn, không được phép đầu tư.
Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đang quản lý khoảng 7.000 ha đất và tổng tài sản đến cuối năm 2017 gần 3.000 tỷ đồng. Nhưng năm 2017, tổng công ty này chỉ tạo ra được hơn 47 tỷ đồng lợi nhuận, đạt gần 30% kế hoạch đã đề ra.
Được biết, Tập đoàn Trung Thuỷ Group do bà Dương Thanh Thuỷ (mẹ đẻ CEO Nguyễn Trung Tín) thành lập năm 1994, ban đầu kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, là người khai sinh thương hiệu Miss Aodai. Năm 2003 thì tập đoàn này đã bước và kinh doanh BĐS khi trúng đấu giá khu đất 22 Bis Lê Thánh Tôn, quận 1. Năm 2008 Tập đoàn Trung Thuỷ tiếp tục được biết đến là nhà phát triển bất động sản cao cấp với dự án chung cư Lancaster tại số 20 Núi Trúc, HN. Trên đà phát triển, Trung Thuỷ tiếp tục mở rộng đầu tư vào nhiều dự án bất động sản khác như Lancaster Lincoln nằm tại mặt tiền Nguyễn Tất Thành, Quận 4; Lancaster Legacy tại số 78 Tôn Thất Thuyết; và nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng khác như Khu Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy tại ấp Bình Hải, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (diện tích 100 ha); Khu du lịch Nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy tại Bình Thuận, Khu du lịch Nghỉ dưỡng Trung Thủy (Đà Lạt), Khu căn hộ cao cấp – văn phòng – trung tâm thương mại (Quận 1, TPHCM)… |