Từ các bài học rút ra ở các tỉnh về sự thất bại của chương trình phân loại rác thải tại nguồn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Bình Dương đã xây dựng chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2017 - 2018 thí điểm ở 2 cấp.
Gieo ý thức, gặt thói quen
Phân loại rác thải sinh hoạt tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương. Ảnh: D.C
"Mỗi viên gạch chúng tôi sản xuất có 50% đất sét lấy từ các mỏ sét và 50% là xỉ than, bùn từ xử lý nước thải. Giá thành của nó chỉ bằng 50% so với sản phẩm cùng loại nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng là tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, biến rác thải thành tài nguyên đô thị...”. Ông Ngô Chí Thắng |
Ở cấp tỉnh, chương trình thí điểm trên trục đường Đại lộ Bình Dương, bắt đầu từ Bệnh viện quốc tế Becamex (thị xã Thuận An) đến Trung tâm hành chính tỉnh. Tuyến này đi qua các tổ chức, cơ sở lớn, tập trung đông người, có khả năng phát thải cao như như bệnh viện, các siêu thị Aeon, Lotte, Mega Market, Co.opmart, Trung tâm thương mại Becamex, chung cư Horizon... Cấp huyện thị, chọn thị xã Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và TP.Thủ Dầu Một là các địa phương có mật đô dân cư đô thị cao.
Cả hai cấp thí điểm, các đơn vị và người dân đều được tập huấn với tài liệu, tờ rơi do Sở TNMT soạn thảo theo hướng ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hiện. Điểm nhận rác được trang bị thùng nhựa chứa chất thải phân loại ngay tại nguồn với 2 màu: Màu xanh đựng chất thải dễ phân hủy, kèm theo hình ảnh nhận diện (thức ăn thừa, rau củ quả hư thừa…); màu vàng đựng chất thải khó phân hủy (rác nhựa, bao bì giấy, vỏ lo bia, chai nước…). Riêng ở cấp huyện thị, các địa phương được chủ động lựa chọn địa bàn, địa điểm phù hợp để triển khai chương trình.
Ông Ngô Thành Mua - Trưởng phòng Quản lý chất thải, Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TNMT cho biết, kết quả triển khai trong 2 năm cho thấy, chương trình đã phát huy tốt hiệu quả do có chương trình đề án cụ thể, sát thực tế.
“Quy mô thí điểm không lớn nhưng có sự phân cấp, chỉ đạo trực tiếp từ cấp ủy, chính quyền địa phương nên đã phát huy tinh thần năng động sáng tạo, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm mới, hiệu quả cao như các mô hình biến bãi rác thành vườn hoa, xóa điểm nóng ô nhiễm tại thị xã Dĩ An. Điều này cho thấy chương trình đã đến đúng mong muốn của người dân” - ông Mua nói.
Ông Ngô Chí Thắng - Phó Giám đốc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương thông tin, mỗi ngày, tỉnh Bình Dương phát sinh khoảng 1.800 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, chất thải rắn khó phân hủy chiếm tỷ lệ 30%. Năm 2018, chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh là 250 tỷ đồng. Nếu thực hiện phân loại tốt rác tại nguồn thành công sẽ giảm được 30% chất thải khó phân hủy, tiết kiệm tương đương 30% chi phí và bằng 75 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Khi có thói quen phân loại rác tại nguồn, người dân cũng được hưởng lợi là thu hồi lại các phế liệu như vỏ chai, vỏ lon bia, giấy vụn, bao bì... để bán ve chai. Trung bình mỗi hộ đóng tiền thu gom rác thải từ 25.000 - 30.000 đồng/tháng thì tiền bán phế liệu thu hồi cũng đủ để đóng tiền thu gom rác.
Biến rác thải thành tài nguyên
Sản xuất phân bón hữu cơ Con Voi từ rác thải. Ảnh: D.C
Đến thăm quy trình sản xuất điện, phân bón, vật liệu xây dựng từ rác thải sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhận xét: “Khu liên hợp xử lý chất thải rắn cùng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt là thành công điển hình về sử dụng vốn vay và ứng dụng công nghệ. Thành công này cần được triển khai nhân rộng ra cả nước và khu vực nhằm góp phần giải quyết các vấn đề rác thải, môi trường mà cá đô thị đang gặp phải”.
Về quy trình xử lý chất thải, ông Ngô Chí Thắng cho biết, nếu làm tốt khâu phân loại rác thải tại nguồn thì chi phí xử lý rác sẽ giảm đáng kể nhờ tiết kiệm thời gian, nhân lực, năng lượng... Cụ thể, rác tươi cho vào bể ủ, nếu đã phân loại thì thời gian ủ chín (sản xuất phân bón) sẽ giảm. Sản phẩm ra nhanh, giúp công ty quay nhanh dòng vốn.
Hiện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương đã đầu tư 2 nhà máy sản xuất phân bón vi sinh Compos hiệu công suất 420 tấn/nhà máy, nhà máy phát điện từ biogas thu hồi nhằm giảm phát tán mùi hôi của rác, công suất 2.320 KW, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng gạch lát vỉa hè công suất 1.000m2/ngày và 120.000 viên gạch tuynel/ngày.