Dân Việt

Nông dân Ninh Bình "tuyên chiến" với rác thải nhựa, túi nilon

Ngày 8/7, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã tổ chức gắn biển điểm bán hàng không sử dụng túi nilon tại cửa hàng nông sản an toàn Sông Vân (thành phố Ninh Bình).

img

Các đại biểu dự lễ gắn biển không sử dụng túi nilon tại cửa hàng nông sản an toàn sông Vân, thành phố Ninh Bình.

Theo lãnh đạo Hội ND tỉnh Ninh Bình, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 61 ngày 2/5/2019 của UBND tỉnh thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, Hội ND tỉnh đã tăng cường tuyên truyền đến 15 cửa hàng nông sản an toàn trên toàn tỉnh về tác hại của túi nilon, vận động các cửa hàng sử dụng vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường để gói, đựng hàng hóa.

Để tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch gắn biển điểm bán hàng không sử dụng túi ni lông tại các cửa hàng nông sản an toàn mà Hội đã triển khai. Nơi đầu tiên đạt yêu cầu là cửa hàng nông sản an toàn Sông Vân có địa chỉ tại số 203, đường Đinh Tiên Hoàng, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình. Thay vì sử dụng túi nilon, cửa hàng cam kết thực hiện việc gói, đựng hàng hóa bằng sản phẩm tự nhiên như lá chuối, lá sen, túi giấy.

Hiện nay, rác thải nhựa đang là vấn đề được toàn xã hội rất quan tâm. Rác thải nhựa và túi nilon xuất hiện ở mọi nơi và đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe của con người. Trước thực trạng như vậy, bắt đầu từ tháng 7/2019, HND tỉnh xây dựng mô hình điểm cửa hàng Nông sản an toàn Sông Vân sử dụng các sản phẩm nông sản, thực phẩm được đóng gói bằng các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường để từng bước thay thế túi ni lon và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Cũng tại buổi lễ này, ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình đã phát động phong trào “Nông dân Ninh Bình nói không với chất thải nhựa dùng một lần và túi nilon” tới toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh. "Mọi người hãy cùng nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng chung tay không sử sụng túi nilon, những sản phẩm nhựa dùng một lần. Thay vào đó hãy sử dụng các sản phẩm thiên nhiên như: lá chuối, lá dong, lá sen… và các loại túi đựng hàng thân thiện với môi trường như: Túi giấy, túi vải, túi lưới sử dụng nhiều lần, túi nilon tự huỷ, các loại hộp sứ... thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần", ông Thái nói.

img

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm quan các sản phẩm đựng thực phẩm bằng các chất liệu thân thiện với môi trường.

Để đáp lại sự tin tưởng của quý khách hàng và thực hiện nghiêm những nội dung đã ký kết với tổ chức Hội ND tỉnh, đại diện cửa hàng nông sản an toàn Sông Vân đã cam kết không bán và sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi nilon và sẽ sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, các vật liệu thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi nilon. Bên cạnh đó, cửa hàng cũng sẽ kinh doanh nông sản an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không bán hàng nhái, hàng quá hạn sử dụng. 

Cũng theo ông Thái, trong thời gian tới Hội sẽ triển khai đồng loạt đến 15 cửa hàng nông sản an toàn và 60 mô hình nông sản an toàn do Hội ND tỉnh triển khai xây dựng; góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người, nhằm thay đổi thói quen, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần của người dân, hướng tới các hoạt động tiêu thụ bền vững.

Ra mắt  CLB “Nông sản an toàn”
Cùng ngày 8/7 vừa qua, Hội ND tỉnh Ninh Bình cũng đã tổ chức thành lập Câu Lạc bộ “Nông sản an toàn”. 
Theo đó, Câu Lạc bộ “Nông sản an toàn” được thành lập với mục đích tương trợ, chia sẻ lẫn nhau mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản vì mục tiêu “đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng” góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ quý khách hàng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Câu lạc bộ đã thành lập Ban chủ nhiệm gồm 15 thành viên do ông Trịnh Văn Tiến làm chủ nhiệm và thông qua quy chế hoạt động, chương trình hành động của câu lạc bộ. Theo đó, câu lạc bộ “Nông sản an toàn” tổ chức sinh hoạt định kỳ một quý/lần.
Tại buổi thành lập, Lãnh đạo Hội ND tỉnh đề nghị câu lạc bộ “Nông sản an toàn” hoạt động theo đúng quy chế đã đề ra và mong muốn câu lạc bộ tổ chức nâng cao các hoạt động liên kết trong sản xuất kinh doanh gắn với việc thực hiện đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn” góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.