Ngày 8/7, nhiều nhân viên Deutsche Bank tại London, New York rời văn phòng với đồ đạc cá nhân trên tay. (Ảnh: CNBC)
TTCK Việt Nam bắt đầu phiên giao dịch ngày 8/7 với thông tin Deutsche Bank công bố cắt giảm 18.000 nhân viên, trong kế hoạch cải tổ nhằm tiết kiệm 7,4 tỷ Euro chi phí mỗi năm. Theo kế hoạch này, Deutsche Bank sẽ xóa bỏ mảng kinh doanh chứng khoán toàn cầu, thu hẹp bộ phận ngân hàng đầu tư, đồng thời giảm bớt mảng kinh doanh trái phiếu - lĩnh vực vốn là một thế mạnh của ngân hàng này.
Ngoài ra, Deutsche Bank cũng sẽ thành lập một bộ phận mới là "ngân hàng xấu" để bán dần những tài sản không mong muốn. Theo dự kiến, "ngân hàng xấu" sẽ quản lý số tài sản trị giá khoảng 74 tỷ USD của Deutsche Bank.
Kế hoạch cải tổ này ảnh hưởng tới nhân viên Deutsche Bank từ New York, London, Sydney, cho đến Tokyo, Hồng Kông, Singapore... Cổ phiếu Deutsche Bank sụt giá 5,3% trong phiên giao dịch đầu tuần.
Tại Việt Nam, Deutsche Bank đang nắm giữ danh mục cổ phiếu hàng trăm triệu USD thông các quỹ đầu tư. Cụ thể Deutsche Bank đang quản lý FTSE Vietnam ETF - một quỹ ETF lớn thứ 2 tại thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng danh mục 300 triệu USD. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2019, chứng chỉ quỹ FTSE Vietnam ETF đã được mua ròng 30 triệu USD.
Theo kỳ review tháng 6 vừa qua, FTSE đang nắm giữ danh mục 20 cổ phiếu Việt Nam. Trong đó, VHM đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ cổ phiếu của FTSE với 45,4 triệu USD (15,55%), VIC là 45,4 triệu USD (14,55%), VNM là 45,4 triệu USD tương ứng 14,81%, MSN là 34 triệu USD…Ngoài ra, FTSE còn đang nắm giữ hàng trăm triệu USD cổ phiếu MSN, VRE, HPG, VCB, NVL, PLX, SSI…
Với số lượng và giá trị cổ phiếu lớn như vậy, xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại FTSE Vietnam ETF sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực của việc tái cơ cấu của Deutsche Bank.
Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thay đổi của Deutsche Bank có thể sẽ không ảnh hưởng đến dòng vốn vào Việt Nam. Theo như thông báo từ phía Deutsche Bank (DB) được đăng tải vào ngày hôm qua, ngân hàng này sẽ tiến hành 1 loạt các thay đổi trong thời gian sắp tới nhằm giảm 25% chi phí của doanh nghiệp đến năm 2022 và đạt RoTE là 8%.
Về cấu trúc doanh nghiệp, thứ nhất, nhằm tái cấu trúc DB giúp ngân hàng này hoạt động hiệu quả hơn sau hàng loạt sự cố diễn ra với ngân hàng này trong 5 năm qua, DB sẽ rút hoàn toàn khỏi mảng thị trường cổ phiếu toàn cầu đồng thời giảm dần lượng vốn của công ty dành cho mảng thị trường trái phiếu khoảng 40% so với mức hiện tại. Mảng thị trường cổ phiếu toàn cầu sẽ được tiếp quản bởi tập đoàn BNP Paribas của Pháp. Thứ hai, ngân hàng này sẽ hành thành đơn vị Ngân Hàng Doanh Nghiệp để phục vụ các doanh nghiệp. Thứ ba, sẽ tiếp tục củng cố mở rộng mảng Ngân Hàng Tư Nhân đặc biệt là dịch vụ Quản Lý Tài Sản cho khách hàng cá nhân tại khu vực châu Á. Thứ 4, tiếp tục thúc đẩy phát triển mảng quản lý quỹ DWS với mục tiêu lọt vào top 10 công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới. Do đó, có thể nói quỹ X-tracer FTSE Vietnam Swap ETFs sẽ không chịu ảnh hưởng tiêu cực của việc tái cơ cấu này mà ngược lại có thể sẽ được hưởng lợi thêm trong tương lai.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/7, VnIndex tăng 2,7 điểm (0,28%) lên 969,05 điểm. (Ảnh: TVSI)
Quay trở lại với những diễn biến chính trong phiên gia dịch ngày 8/7, sau khoảng thời gian đầu phiên để lực bán chiếm ưu thế, các cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm điểm, các cổ phiếu SAB, TCB, VRE, MSN… tạo ra tác động tiêu cực khiến chỉ số VnIndex giảm điểm, thị trường đã dần chuyển về trạng thái giằng co.
Trong đó, đà tăng từ nhóm “cổ phiếu họ Vin” là VHM, VRE của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và một số mã ngân hàng như BID, CTG, MBB đang dần trở thành lực đỡ cho VnIndex trong phiên sáng trong bối cảnh SAB, MSN tiếp tục giảm điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều 8/7, GAS tăng mạnh, cùng với VRE, VHM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành trụ đỡ đưa VnIndex thoát khỏi sắc đỏ. Còn VNM đảo chiều bật tăng trở lại, VCB, SAB cũng thu hẹp đà giảm… cũng đóng góp đáng kể trong sự hồi phục của VnIndex trong phiên chiều 8/7. Trong khi đó, cổ phiếu NVL, VIC sau phần lớn thời gian gây tác động tiêu cực tới VnIndex đã dần trở lại tham chiếu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/7, VnIndex tăng 2,7 điểm (0,28%) lên 969,05 điểm. Còn HNX-Index tăng 1,29 điểm (1,24%) lên 105,1 điểm.