Tiếp chuyện với chúng tôi là một lão nông đã ở cái tuổi xế chiều, qua tiếp xúc chúng tôi mới biết được cái máu chăn nuôi và ham học hỏi, tìm tòi… đã in sâu vào tâm trí của lão nông này như thế nào. Dường như tuổi tác không thể làm khó sự đam mê với nghề chăn nuôi của người đàn ông này được.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình, ông Linh thoăn thoắt chỉ tay vào những ô chuồng thỏ, bể ếch… rồi mau miệng giới thiệu: “Con thỏ này đang bị ốm, chữa ra làm sao?, hay con ếch kia bị chướng bụng do nguyên nhân gì ?...” Giống bác sỹ thú y, chỉ nhìn là tôi biết vật nuôi có bị bệnh hay không...". Điều thú vị, trước đó ông Linh chưa từng học qua một trường lớp nào về chăn nuôi thú y...
Nuôi bạt ngàn thỏ và ếch, lão nông Ninh Bình trở thành triệu phú.
Sau đó, ông chậm dãi kể lại về những câu chuyện gian nan với nghề. Ông Linh kể, gia đình ông nuôi thỏ cách đây từ hơn 20 năm về trước. Những ngày đầu khởi nghiệp là một câu chuyện với đầy những khó khăn trắc trở. Từ ngày nuôi thỏ dường như hai từ khó khăn cứ bủa vây lấy gia đình ông, hết khó khăn nàylại sang khó khăn khác, nhiều lúc tưởng là phải bỏ nghề.
“Lúc mới nuôi thì gặp khó khăn về kỹ thuật nuôi, đến khi khắc phục được thì đầu ra lại càng khó khăn hơn. Thỏ đầy cả chuồng mà không bán được, tiến vốn thì nằm hết vào trong đàn thỏ đó. Nhiều lúc cứ nhìn đàn thỏ mà thở dài, lúc đó chán nản buồn bã vô cùng”, ông Linh nhớ lại.
Đầu ra gặp khó, ông Linh rong ruổi khắp các khu chợ, nhà hàng...và tìm đến cả thương lái để tìm đầu ra cho thỏ nhà mình. Đầu tiên thì chỉ bán mỗi ngày được vài con, rồi dần dần cũng quen được nhiều mối nên người ta đến tận nhà để lấy. Sau khi đầu ra ổn định hơn, gia đình ông tiếp tục nhân đàn và mở rộng quy mô lên.
“Để tăng dinh dưỡng và đề phòng bệnh cho thỏ, cần tiêm vắc xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm một lần cho tới khi xuất bán. Ngoài ra, thỉnh thoảng còn pha các loại vitamin vào nước hoặc thức ăn, để thỏ ăn nhiều, nhanh lớn…”, ông Linh cho biết thêm.
Sau hơn 20 nuôi năm, đến nay quy mô chăn nuôi thỏ thương phẩm của gia đình ông đã lên tới hơn 600 con. Trong đó, đàn thỏ mẹ luôn được ông Linh duy trì khoảng gần 100 con và hơn 500 con thỏ thịt thương phẩm. Với số thỏ đang nuôi này, trung bình mỗi tháng gia đình ông Nguyễn Văn Linh xuất bán ra thị trường hơn 500kg thỏ thương phẩm. Với giá bán dao động từ 80.000- 90.000 đồng/1kg, sau khi trừ hết chi phí ông Linh lãi khoảng 15 triệu/tháng.
Ngoài thỏ, ông Linh còn xây thêm bể xi măng nuôi ếch và hệ thống cấp thoát nước theo mô hình khép kín, tính đến nay ông cũng có thâm niên hàng chục năm với nghề nuôi ếch. Trung bình mỗi năm ông thả gần 4 vạn ếch giống và xuất ra thị trường gần 5 tấn ếch thương phẩm. Mỗi năm mang về doanh thu 200 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí gia đình ông bỏ túi hơn 70 triệu đồng.
Mặc dù đã ở cái tuổi 66 nhưng ông Nguyễn Văn Linh vẫn miệt mài nuôi ếch, nuôi thỏ để làm kinh tế.
Theo ông Linh, con ếch là loại vật nuôi hiệu quả không kém gì con thỏ nhưng chi phí đầu tư thấp, nhanh thu hồi vốn,dễ nuôi và dễ chăm sóc….Nhưng nuôi ếch lại có nhược điểm là chỉ nuôi được trong vòng 6 tháng mùa nóng, do ngoài miền Bắc có mùa đông lạnh nên không thể nuôi được ếch.
“Nếu con ếch mà nuôi được quanh năm thì hiệu quả kinh tế cao vô cùng. Tôi thì tuổi đã cao nên cũng không có sức nuôi nhiều, chỉ nuôi mấy trăm con thỏ với vài vạn ếch vậy thôi, mỗi năm cũng kiếm được một khoản tiền kha khá, tha hồ mà trang trải cho cuộc sống”, ông Linh tâm sự.
Sau hơn quãng thời gian dài phấn đấu không biết mệt mỏi, giờ đây mô hình nuôi thỏ và nuôi ếch giúp ông Linh có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn nhiệt tình hướng dẫn kĩ thuật chắm sóc thỏ cũng như nuôi ếch cho các người dân có nhu cầu khi đến thăm quan học hỏi..