Dám nghĩ dám làm
Đến thăm mô hình nuôi gà đen của anh Sồng A Tơ, bản Chiềng Đi 2 (xã Vân Hồ), một thanh niên người Mông đã mạnh dạn "dám nghĩ, dám làm". Tốt nghiệp đại học ra trường không xin được việc như mong đợi, anh Tơ đành ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy trồng ngô, lúa.
Cán bộ khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân.
Sau khi được tham gia lớp giới thiệu về mô hình nuôi gà đen do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ tổ chức, anh Tơ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại và mua con giống về nuôi. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật như những gì đã được học, đàn gà phát triển tốt, lớn nhanh, xuất bán lứa đầu tiên anh thu về gần 100 triệu đồng. Thành công bước đầu đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình, từ đó anh Tơ quyết tâm theo đuổi niềm đam mê với nông nghiệp của mình.
Mô hình nuôi gà đen của anh Sùng A Tơ bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Còn anh Sồng A Nánh, bản Pa Chè (xã Vân Hồ), với 2 ha đất trồng mận, đào và 8.000 m2 đất trồng chè cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Giờ đây, gia đình anh Nánh không những thoát được nghèo mà còn là hộ có kinh tế ổn định nhất bản.
Anh Nánh chia sẻ: Trước đây gia đình trồng ngô, sắn, năng suất hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng do khuyến nông xã, huyện tổ chức. Đem kiến thức học được áp dụng vào sản xuất của gia đình, chuyển dần sang đất trồng ngô, sắn sang trồng cây lâu năm như chè, mận, đào và áp dụng kỹ thuật thâm canh, cách chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất, cây phát triển tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, mỗi năm thu nhập của gia đình hơn 200 triệu đồng.
Nhờ được tiếp cận kiến thức, kỹ thuật sản xuất thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn do khuyến nông xã, huyện triển khai đã giúp nhiều hộ nông dân ở Vân Hồ từng bước thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm trong sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Cán bộ khuyến nông lên nương rẫy "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất.
Cầm tay chỉ việc cho người dân
Trao đổi với ông Trần Đức Hiển, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ, được biết: Vân Hồ là huyện khó khăn của tỉnh Sơn La, cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 130 km, địa hình đa phần là đồi núi dốc, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Một số cơ sở chưa thực sự quan tâm đến hoạt động khuyến nông, việc tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp khó khăn.
Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu, việc tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh, phát triển theo hướng hàng hóa chưa thực sự hiệu quả. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn mang tính chất tự phát, chưa theo định hướng quy hoạch, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao-Ông Trần Đức Hiển thông tin thêm.
Một số mô hình trồng cây ăn quả trên trên địa bàn huyện Vân Hồ đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm qua chính quyền địa phương luôn tìm giải pháp tháo gỡ, làm sao để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Một trong những giải pháp được lựa chọn đó là đẩy mạnh công tác khuyến nông, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân, từng bước thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa. Khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng thế mạnh từng địa phương vào sản xuất và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả...
Mô hình trồng bưởi của người dân tại một số địa phương huyện Vân Hồ đang từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nhân dân nâng cao hiệu quả sản xuất, như: Kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kỹ thuật trồng cây gai xanh; cách chăm sóc cây ăn quả; phòng chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Với những nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, dễ áp dụng, như tham gia các buổi hội thảo, mô hình sản xuất, coi trọng phương pháp “cầm tay chỉ việc, trực tiếp ra đồng ruộng, nương rẫy, hướng dẫn người dân áp dụng ngay trong thực tế. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 49 lớp tập huấn cho 2.760 lượt người tham gia tại 11/14 xã trên địa bàn.
Nhờ được tập huấn, hướng dẫn, ý thức về sản xuất, kỹ thuật thâm canh của người dân không ngừng nâng lên.
Đến nay, trên địa bàn huyện Vân Hồ đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình kinh tế hiệu quả, tiêu biểu như mô hình sản xuất rau trái vụ ở Tô Múa; trồng cây ăn quả, xoài, nhãn theo hướng hữu cơ ở Xuân Nha; sản xuất giống lúa mới tại Song Khủa; trồng chanh leo ở Vân Hồ, Lóng Luông; nuôi bò nhốt chuồng tại Tô Múa… mỗi năm cho thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều gia đình đã vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính quê hương mình.