Gắn bó tuổi thơ với rừng
Sinh năm 1951, tuổi thơ của ông Đô và bạn bè cùng lứa ở bản làng gắn với các chú bộ đội, gắn với cánh rừng Cồn Lim. Ngày ấy, đồi Cồn Lim cũng như bao mảnh rừng bạt ngàn dọc theo dãy Trường Sơn được người dân bản địa gọi là "Rừng bộ đội". Bởi cả cánh rừng này gắn bó với nhiều người lính đi qua Trường Sơn để vào chiến trường miền Nam.
Lên chín, lên mười bàn chân thoăn thoắt của cậu bé Đô đã dẫn đường các chú bộ đội qua cánh rừng này, qua vạt đồi kia, chỉ cho các chú bộ đội suối chỗ nào sâu, chỗ nào cạn để đi qua… Trong ký ức của ông Đô, rừng ở Cồn Lim ngày ấy có nhiều cây gỗ quý nhưng bị máy bay Mỹ quần thảo, đánh phá khiến nhiều cây bị chết, nhiều cây lim cổ thụ cũng không tránh khỏi.
Ông Đô hào hứng nói về cuộc chiến với lâm tặc.
Thấy nhiều chú bộ đội thường leo lên những cây lim cao nhất để quan sát rồi họp, rồi báo cáo, ông và đám bạn cũng làm theo, leo lên quan sát. Có hôm vừa leo lên ngọn cây máy bay Mỹ gầm rú ngay trên đầu, ông và đám bạn sợ chết khiếp, leo xuống thì thì sợ bị phát hiện, nên người cứng đơ bám vào ngọn cây đến nghẹt thở.
Năm nay gần tuổi 70 nhưng ông Trương Quốc Đô vẫn là "mãnh hổ" giữ rừng ở vùng miền sơn cước Minh Hóa. Lâm tặc nơi đây khi nhắc đến ông thường nói lảng tránh qua chuyện khác, bởi người ít thì từng bị ông đuổi chạy đứt hơn hàng chục km đường rừng, người nhiều thì không còn nhớ bao lần bị ông dí đánh, phải vứt cả cưa máy, cưa xăng giữa rừng già.
Nhiều lâm tặc rỉ tai nhau, sở dĩ họ luôn phải dè chừng, khiếp sợ mỗi khi xâm phạm vào rừng Cồn Lim, bởi bên cạnh sợ sức khỏe ông Đô, nhưng cái cốt yếu nhất là dù gia cảnh nghèo đói, khó khăn có lúc lâm vào túng quẫn nhưng ông Đô vẫn quyết giữ khu rừng như chính giữ sinh mệnh của mình.
Nhấp một ngụm nước chè xanh, ông Đô đưa mắt nhìn xa xăm tâm sự: "Ngày xưa đi đâu cũng gặp rừng, đi đâu cũng gặp đinh, lim, sến, táu, bốn loại gỗ quý hiếm, nhiều cây 5-7 người ôm, nhưng rồi theo thời gian gỗ rừng bị chặt phá dần. Tổ tiên chúng tôi, rồi đến cha mẹ chúng tôi, cuộc đời chúng tôi, con cái chúng tôi gắn với rừng nhưng nếu rừng không còn thì chúng tôi gắn với cái gì? Tôi xem rừng như máu thịt của mình. Giữ rừng, là giữ cho nhà nước và cũng là giữ cho chính mình, gia đình mình mà".
Muốn giữ rừng mà không có sức khỏe thì không thể giữ được, ông Đô nói vậy. Gần tuổi 70 nhưng đến bữa ăn ông thường gắng ăn dăm bát cơm, mỗi khi nghe tiếng cưa máy nghi phá rừng là ông bật dậy như mãnh thú lao vào rừng già.
Thân hình ông Đô rắn chắn, khỏe khoắn với nhiều động tác nhanh nhẹn không khác gì thanh niên trai tráng, cơ bắp tay, chân nổi lên cuồn cuộn của người lao động nhiều ở miền sơn cước. Tiếp xúc với ông, chúng tôi rất ấn tượng bởi ngoài việc hiếu khách thì ông còn có giọng nói ầm vang, điệu cười hảo sảng và khuôn mặt rất thân thiện.
Ông Đô kể, chiến tranh kết thúc, nhiều mảnh rừng bị bom đạn hủy diệt, nhiều cánh rừng bị cày xới, cây cối đổ ngổn ngang. Nhưng rừng bị "chảy máu" vì bom đạn không ăn thua gì so với tiếng cưa, tiếng búa của lâm tặc sau nhiều năm giải phóng.
Nhìn những cánh rừng gỗ lim, gỗ táu bị tàn phá, ông lo cánh rừng Cồn Lim rồi phải chung cảnh ngộ với những cánh rừng xa xa kia. May thay, năm 1993, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân bảo vệ, điều mà ông Đô từ lâu đã ao ước từ lâu. Không chần chừ, ông tình nguyện nhận ngay gần 20 hecta để giữ, chăm sóc và bảo vệ. Gác mọi công việc, hằng ngày ông lên rừng tuần tra, tỉa cây dại bảo vệ rừng lim…
Gian nan cuộc chiến giữ rừng lim
Gần 30 năm trăn trở, chăm sóc của ông Đô, đến nay rừng Cồn Lim cây mọc tươi tốt, trở thành cánh rừng già với nhiều loại gỗ quý hiếm. Khu rừng Cồn Lim có nhiều cây lim cổ thụ với tuổi đời trên trăm năm, trị giá nhiều tỉ đồng. Ngoài ra, những cây lớn có đường kính to khoảng từ 0,5-1m được ông gìn giữ, coi sóc như là "báu vật".
Ông Trương Quốc Đô dẫn cán bộ kiểm lâm đi kiểm tra rừng gỗ quý Cồn Lim.
Sở hữu rừng gỗ lim có giá trị lớn, nhiều lái buôn đã tìm đến nhà ông Đô để hỏi mua nhưng đều nhận được ở ông cái lắc đầu. Nhiều người hỏi mua không được thì dóm ngó, dọa đốn chặt cây rừng. Nhiều năm qua lâm tặc thâm nhập rừng không kể xiết khiến ông và con cháu không ít phen lao đao, vất vả để bảo vệ rừng. Cứ ban ngày có khách đến hỏi mua gỗ thì tối hôm đó và nhiều ngày sau ông Đô và con cháu trong nhà hầu như không dám ngủ để vào bảo vệ rừng.
Có buổi trưa, ông Đô vừa rời rừng về nhà đang ngồi ăn cơm thì nghe tiếng cưa máy xoèn xoẹt ở góc rừng. Thả vội bát cơm xuống, ông lại tức tốc chạy lên rừng, lần mò theo âm thanh tiếng cưa. Đến nơi thì phát hiện một nhóm lâm tặc gồm 3 người dùng máy cưa và các phương tiện khác chuẩn bị hạ một cây lim cổ thụ. Ông lao vào ôm lấy thân cây, nhóm lâm tặc lôi ông ra, ông lại lao vào ôm gốc cây.
Chúng đánh ông, ông gào lên như con hổ dữ canh rừng, rồi ông dùng cây rừng đánh lại. Chúng đánh ông đến ngất xỉu rồi bỏ đi. Mấy đứa con của ông thấy bố lên rừng lâu không quay lại ăn cơm nên đi tìm và phát hiện đưa ông về. Thỉnh thoảng một số lâm tặc thường lai vãng trước nhà ông để theo dõi, chúng nắm lịch xem ông có nhà hay không?
Cả cuộc đời ông Đô gắn bó với rừng, xem cây rừng như máu thịt của chính bản thân mình.
Có đi thăm hỏi con cháu, hay đi chơi đâu xa, vắng nhà không. Và khi biết ông vắng nhà là chúng vào rừng đốn trộm gỗ. Số lâm tặc hay là cà theo dõi này chẳng phải ai xa lạ, ông Đô biết nó, và chúng nó biết ông. Vì vậy phải làm sao để cảm hóa họ mới mong giữ được rừng. Nghĩ là làm, ông nằm trong nhà và cho con cháu phao tin ông đi chơi xa.
Nghe vậy nhóm lâm tặc mừng lắm, chúng vào rừng đốn gỗ lim. Khi lâm tặc xuất phát ông cũng men theo cây rừng bám theo và bắt được quả tang các đối tượng phá rừng. Ông phân tích việc bảo vệ rừng gỗ quý như thế nào, vì sao ông phải giữ…nhóm lâm tặc kia không chịu nghe, ông bắt trói 2 đối tượng vào gốc cây, đối tượng còn lại sợ bỏ chạy. Sau nhiều giờ khuyên giải, phần vì hiểu ra giá trị việc giữ rừng, nhưng phần nhiều là sợ nên đám lâm tặc hứa bỏ phá rừng, theo ông làm tình nguyện viên giữ rừng.
Gần 30 năm miệt mài canh giữ, đến nay rừng gỗ quý Cồn Lim do ông Đô bảo vệ đang giữ lại được những cây gỗ trên trăm năm tuổi.
Dân làng vùng sơn cước Tân Hóa gọi ông Đô là Đô "hổ" bởi ngoài sức khỏe ít người địch nổi thì giọng nói ông cũng sang sảng, gầm vang. Bước chân ông đi khắp hàng chục hécta rừng để tuần tra, kiểm soát bao năm qua khiến ai cũng kính nể.
Suốt gần 30 năm giữ rừng, không biết bao nhiêu lần phải đối mặt với hiểm nguy, có lần ông từng bị độc cắn nguy hiểm đến tính mạng phải nghỉ ở nhà cả tháng trời nhưng ông không bao giờ nản chí, ông quyết bảo vệ từng cây rừng và trong nhiều lần đối mặt đó, lâm tặc nghe đến tên ông Đô "hổ" cũng phải khiếp sợ. Cứ thế, năm này qua năm khác, từ tờ mờ sáng, ông Đô khăn gói lên rừng đến khi trời nhá nhém tối mới trở về nhà.
Ông tâm sự những ngày vất vả nhất là vào mùa hè, nắng oi bức nên rừng dễ bị cháy, ông phải rảo quanh từng khoảnh rừng để kiểm tra thật kĩ. Hễ thấy người lạ vào rừng là ông đuổi ngay, còn người dân vào lấy củi khô là ông nhắc nhở cẩn thận như không hút thuốc, không đốt ong và sử dụng vật dụng dể cháy nổ và theo sát cử chỉ họ rồi mới yên tâm ra về.
Nhờ sự chăm sóc, bảo vệ chu đáo mà rừng ở Cồn Lim do ông Đô canh giữ, bảo vệ ngày càng phát triển tươi tốt. Trong rừng có hàng trăm cây lim vươn cao lên bầu trời, hàng ngàn cây nhỏ khác cũng đang vươn mình lớn dậy. Ngoài lim ra, trong rừng ông Đô còn có rất nhiều loại cây gỗ quý khác như cây đỏ lòng, ngát, trám có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Ông Đô cho hay cả đời ông chỉ ở vùng đất này, chẳng thể đi đâu xa nổi vì cứ hễ đi xa rừng một hôm là thấy nhớ, lòng cứ đau đáu khôn nguôi
Ông Trương Quốc Đô nói rằng, dù khó khăn đến mấy ông cũng quyết không bán bất cứ một cây gỗ lim nào. "Tôi chỉ mong trời cho sức khỏe để canh giữ cho rừng Cồn Lim. Giữ rừng là giữ cho nhà nước, cho hậu thế mai sau. Ông Trần Mạnh Luật, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Minh Hóa ví von rằng ông Trương Quốc Đô như một "con hổ" giữa rừng Cồn Lim vậy. Nhờ uy tín, dũng mạnh và sự bảo vệ nghiêm ngặt của ông hàng chục năm qua đã khiến lâm tặc không dám vào rừng phá nên mới có thành quả như hôm nay.