Dân Việt

Những người lính Vị Xuyên: Đất nước mà, ai tiếc chi đâu!

Gia Khánh    13/07/2019 13:02 GMT+7
Ngày 12/7/1984, những người lính Sư đoàn 356 Quân khu II tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang đã trải qua một trận đánh vô cùng ác liệt với quân xâm lược Trung Quốc. Hơn 1.200 cán bộ chiến sỹ đã ngã xuống trong một ngày. Và ngày đau thương đó, những người lính gọi là ngày giỗ trận.

35 năm sau, 19h45 ngày 12/7/2019, khi bóng tối đã phủ kín khu đồi tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang, vẫn có những người lính già cần mẫn lặng lẽ mang những nén hương tới thắp trên những ngôi mộ ở đây.

Rất nhiều ngôi mộ ghi dòng chữ trên tấm bia “Chưa xác định danh tính”. Những tiếng gọi “đồng đội ơi” lạc vào không trung, khiến cho những người xung quanh không ngăn được xúc động.

Dưới những ngôi mộ đã được quy tập, phần lớn là những người lính đang ở độ tuổi mười chín đôi mươi, họ ra đi mà nhiều người trái tim chưa rung lên một lần vì tình yêu. Nhưng họ đã hiến dâng cho biên cương Tổ quốc cả trái tim trẻ và thân thể thanh xuân của mình.

Trong đoàn người về ngày giỗ trận có nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn - người đã rút ruột mình ra để viết bài ca “Đất nước”.

Ông ngồi lặng và chỉ nói một câu: “Đất nước mà, ai tiếc chi đâu”. Người nhạc sĩ già này cũng đã cùng đồng đội làm nên một đất nước vẹn toàn.

img

Những người lính Vị Xuyên hàng năm đều quay trở lại trận địa cũ, mừng mừng tủi tủi rồi thắp nén hương cho các đồng đội đã nằm xuống

Hoà trong hàng nghìn cựu binh về Vị Xuyên tri ân đồng đội có cựu binh Công Đức Cường, người Hà Nội, vốn là lính thông tin trên đỉnh E5.

Khi quân Trung Quốc tấn công, toàn bộ đồng đội của anh đã hi sinh hết, một mình anh ngồi ôm máy thông tin vô tuyến, xác định tọa độ gọi pháo bắn phủ lên trận địa, quân xâm lược tháo chạy, ta giữ được điểm chốt E5. Anh Cường bị thương nặng rồi ra quân, trở về làm một người lao động.

Năm nào anh cũng trở lại Vị Xuyên vài lần. Anh nói, những người lính chúng tôi vui lắm, gặp lại nhau trong âm dương cách biệt này, chúng tôi vẫn nhí nhố như tuổi đôi mươi. Khi chiến đấu thì quên mình, nhưng khi chung sống với nhau thì hết tình hết nghĩa.

img

Anh Nguyễn Công Dũng - người đã để lại một chân ở mặt trận Vị Xuyên khi mới 20 tuổi

Bởi chúng tôi hiểu mình là lính, vẫn còn sự bỗ bã, sự ngang tàng vẫn đâu đó, vẫn mang chút ít sự bất cần. Nhưng không thế thì không thể vượt qua những “lò vôi thế kỷ”, “đồi thịt băm”, “thác gọi hồn”... để sống một cách bình thường như ngày hôm nay.

Cho tới bây giờ, xã hội đã hiểu và biết rõ về cuộc chiến nơi mặt trận Vị Xuyên. Tuy Sư đoàn 356 đã giải thể, nhưng những người lính Vị Xuyên năm xưa vẫn tự tìm đến nhau, tự thành lập những hội đồng ngũ ở khắp các tỉnh thành, như Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Dương...

Ở đâu họ cũng rất đoàn kết, rất nghĩa tình, và tự bảo nhau tìm về Vị Xuyên trong ngày giỗ trận 12/7. Để họ được chia sẻ với nhau, an ủi nhau và kể cùng nhau câu chuyện sống – chết trên mảnh đất biên cương Tổ quốc.

Đã có thời gian dài, Vị Xuyên chưa được nhắc tới với một vị trí xứng đáng trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc. Nhưng những người lính của lính đã cống hiến sức lực và xương máu ở mặt trận Vị Xuyên luôn như những ngọn nến cháy bền bỉ, nghĩa tình, không một chút đắn đo tiêu cực.

Trong chiến đấu cũng như thời bình, họ chấp nhận hi sinh và lặng lẽ cống hiến cho Tổ quốc hết mình. Dân tộc Việt có những người lính như thế, sẵn sàng chấp nhận hi sinh đến thầm lặng cho cuộc sống và đất nước bình yên, phát triển như ngày hôm nay.

Để rồi Vị Xuyên được ghi nhớ, tô thêm vào trang sử bảo vệ Tổ quốc và là niềm tin niềm, niềm cảm hứng để xây dựng đất nước.