Cuộc đời của ông “Trạng Lợn” xứ Kinh Bắc
Nguyễn Nghiêu Tư tên hiệu là Tùng Khê, tên tự là Quân Trù, người xã Phù Lương, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Hiền Lương, xã Phù Lương, huyện Quế Võ, Bắc Ninh), đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1448) đời Lê Nhân Tông.
Tục truyền rằng Nguyễn Nghiêu Tư hồi nhỏ có tên tục là Trư (Lợn) bởi ông sinh vào tháng Hợi (tức tháng 10 âm lịch) nên người cha đã đặt tên như vậy. Khi sinh ra, Nguyễn Nghiêu Tư là một cậu bé bụ bẫm, xinh xắn, hay ăn chóng lớn, đầy tuổi đã chạy nhanh và nói sõi đủ điều. Năm lên 4 tuổi nghe người lớn ngâm thơ một vài lần là ông đã thuộc lòng. Lúc lên 8 tuổi ông được cha mẹ cho đi học, mặc dù học muộn hơn chúng bạn nhưng ông học rất giỏi, tiếp thu bài nhanh, nghe một biết mười lại không có tính kiêu ngạo mà rất lễ phép chuyên cần nên được thầy yêu, bạn mến.
Những ngày đi học vào tháng 7, tháng 8 trời mưa nhiều, đường lầy lội, đi lại rất vất vả, khó khăn nhưng ông không bỏ một buổi học nào, bạn học có người lớn gấp rưỡi, gấp đôi tuổi rất thương mến, thay nhau cõng khi tới trường cũng như lúc về nhà. Ở nhà, Nguyễn Nghiêu Tư luôn chăm lo đèn sách, không lúc nào rời quyển sách, khi nấu cơm ông cũng mang sách dựa bên thềm mà học, khi ra vườn cũng cầm chiếc que nhọn trên tay để vạch lên đất hoặc viết vào lá chuối những chữ, những câu khó nhớ. Cha mẹ thấy con mình chăm chỉ học hành rất lấy làm mừng rỡ, hi vọng một ngày nào đó người con yêu quý sẽ có tên trên bảng vàng, làm rạng danh gia đình, dòng họ.
Có thuyết thì kể rằng vì gia cảnh nghèo khó, khi chưa đến tuổi trưởng thành thì cha mẹ đã lần lượt qua đời, Nguyễn Nghiêu Tư phải đi chăn lợn cho một phú ông ở làng Đông Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn và thường đứng ngoài học lỏm bài giảng của thầy đồ ở một lớp học trong làng. Sau khi biết được tình cảnh đáng thương của cậu bé, lại thấy ứng đối trôi chảy, thông minh, sáng dạ nên thầy đồ Vũ Mộng Nguyên, người từng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám đã đưa cậu bé chăn lợn về ở nhà mình để có thời gian trông nom, dạy dỗ chu đáo. Cảm động vì tấm lòng yêu thương, cưu mang của thầy, Nguyễn Nghiêu Tư làm việc siêng năng, miệt mài học tập để chờ đến ngày đền đáp công lao dạy bảo, kèm cặp của thầy.
Đến kỳ thi năm Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448) đời vua Lê Nhân Tông, Nguyễn Nghiêu Tư trẩy kinh ứng thí rồi đỗ đầu trên bảng vàng, đoạt học vị Trạng nguyên.
Giai thoại lưu truyền rằng đêm trước ngày thi Đình vua Lê Nhân Tông có một giấc mộng lạ, nhà vua nằm mơ thấy lợn đỗ Trạng lúc tỉnh dậy lấy làm kinh ngạc. Khi danh sách những người đỗ được công bố, vua xem thấy tên Nguyễn Nghiêu Tư đứng đầu liền cho tuyên triệu vào hỏi chuyện, lúc đó mới biết ông sinh tháng Hợi lên hồi nhỏ có tên là Trư (Lợn). Từ đó trong dân gian có lưu truyền câu ca: “Long đầu lợn Nguyễn Nghiêu Tư” và gọi ông là Trạng Lợn. Dân làng đã dựng Nghè ở chợ Phù Lương (còn gọi là chợ Giùng) để đón Nguyễn Nghiêu Tư vinh quy bái tổ gọi là Nghè quan Trạng; nghè này đến thời kháng chiến chống Pháp mới bị phá hủy.
Sứ Việt đối đáp với vua Minh. (Hình minh họa – Nguồn: diendanlichsu).
Sau khi đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Nghiêu Tư được bổ làm quan dần thăng lên đến chức An phủ sứ, Hàn lâm trực học sĩ.
Đêm ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459) xảy ra sự biến, anh trai vua là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân cùng các thủ hạ đột nhập vào cung cấm giết chết Lê Nhân Tông để cướp ngôi. Sau khi cơ bản khống chế được tình hình, ngày mồng 7 tháng đó, Lê Nghi Dân lên ngôi hoàng đế đặt niên hiệu là Thiên Hưng.
Biết Nguyễn Nghiêu Tư là người có tài trí thông minh, ứng đối nhanh nhạy, Lê Nghi Dân phong cho làm Chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ sang cầu phong. Khi đoàn sứ bộ nước Đại Việt vào yết kiến, đưa biểu cầu phong. Vua Minh Anh Tông hạch sách rằng: “Sao Nghi Dân dám giết em để cướp ngôi vua? Ta không chấp thuận tờ biểu này”.
Chánh sứ Nguyễn Nghiêu Tư liền đáp ngay: “Đường Thái Tông (Lý Thế Dân) giết cả anh là Lý Kiến Thành và em là Lý Nguyên Cát. Đó cũng là việc cũ của “thiên triều” thì việc nước tôi ngày nay có gì mà lạ”.
Viện dẫn ngay chuyện vì tranh giành ngôi báu, các con của vua Đường Cao Tổ đã xảy ra sự chém giết, Lý Thế Dân đã cho phục binh nấp sẵn trước cửa Huyền Vũ rồi bất ngờ xong ra giết chết anh trai là Thái tử Lý Kiến Thành và em trai là Lý Nguyên Cát, sau đó còn giết hết 10 người cháu là con của Kiến Thành và Nguyên Cát nhằm diệt trừ hậu họa.
Vua Minh Anh Tông nghe xong lời đối đáp của Nguyễn Nghiêu Tư, cứng lưỡi không có cớ bắt bẻ được nữa đành chấp nhận tờ biểu văn. Lập được công lớn, sau khi đi sứ phương Bắc trở về, Nguyễn Nghiêu Tư được Lê Nghi Dân phong lên chức Lại bộ Thượng thư, chưởng lục bộ.
Sau khi Lê Nghi Dân bị lật đổ, Lê Thánh Tông lên ngôi, không rõ dưới thời trị vị của vị minh quân này, Nguyễn Nghiêu Tư giữ chức vụ gì, chỉ biết rằng vì có công nên khi về trí sĩ, ông được ân sủng gia phong là “Thượng quốc công trí sĩ” và được ban lộc điền ở quê nhà, vợ ông được phong làm Nhất phẩm phu nhân.
Có hay không một chuyện xấu chốn khuê phòng?
Nguyễn Nghiêu Tư có biệt danh là “Trạng Lợn” vì hồi nhỏ tên tục là Trư (Lợn), từng phải đi chăn lợn để kiếm sống; có thuyết nói ông xuất thân trong gia đình làm nghề bán thịt lợn; hoặc theo giai thoại giấc mơ của vua Lê thấy lợn đỗ Trạng… vì vậy mới có biệt danh ấy.
Tuy nhiên có một lý giải về biệt danh này được ghi trong chính sử, theo sách Đại Việt sử ký toàn thư sở dĩ ông bị gọi như vậy vì “Nguyễn Nghiêu Tư từng thông dâm với mẹ vợ, bấy giờ có người ghi vào chuồng lợn chữ "Phường trạng nguyên", có người hát ở đường cái rằng: "Trạng nguyên trư Nguyễn Nghiêu Trư" là chế giễu hành vi xấu xa đó”.
Ngoài Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép sự việc này, không có bất cứ sách sử nào khác viết về chuyện xấu đó của Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Trư khiến hậu thế mang tâm trạng đầy nghi vấn phải chăng chỉ với một dòng chữ chú thích nhỏ của sử quan nào đó mà vị Trạng nguyên tài năng đã... phải chịu vết nhơ khó gột rửa được.
Chúng ta nên biết rằng Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ chính sử lớn được biên soạn vào thời Lê sơ, ban đầu là Sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên thực hiện trên cơ sở bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và bộ Sử ký tục biên của Phan Phu Tiên. Thời Mạc bộ sử này cũng đã được sử quan chỉnh sửa, ghi chép một số phần; đến đời Lê Trung Hưng lại được vua Lê chúa Trịnh sai quần thần khảo đính, chỉnh lý, bổ sung viết thêm. Như vậy bộ Đại Việt sử ký toàn thư lưu giữ đến nay là tác phẩm do nhiều người viết ở các thời kỳ khác nhau.
Dù là bộ chính sử nhưng Đại Việt sử ký toàn thư có không ít ghi chép nhầm lẫn, trùng lặp hoặc sai lệch và có lẽ dòng viết về chuyện xấu của Nguyễn Nghiêu Tư chưa chắc đã đúng sự thật. Hơn nữa dưới thời vị Hoàng đế sùng Nho là Lê Thánh Tông, khi chủ trương dựng bia đá khắc để tôn vinh những người đỗ đạt, những người dù đỗ đại khoa mà có lỗi lầm vẫn bị phê phán mạnh mẽ. Thế nhưng, trong nội dung văn bia Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Thìn (1448) được truy dựng vào ngày 15 tháng 8 năm Giáp Thìn (1484) niên hiệu Hồng Đức thứ 15 do Đông các đại học sĩ Đỗ Nhuận soạn văn bia, không có chữ nào nhắc đến vết nhơ của ông Trạng họ Nguyễn mà trên bia có đoạn viết: “Mùa thu, ngày 23 tháng 8 Hoàng thượng ngự điện Tập Hiền, đích thân ra đề văn sách… Lấy những bài thi có văn phong khí cốt đáng khen, chọn bọn Nguyễn Nghiêu Tư trở xuống, ban cho đỗ Tiến sĩ cập đệ và xuất thân có thứ bậc khác nhau. Mọi nghi thức ban cấp áo mũ, yến tiệc đều tuân theo lệ cũ”.
Tượng thờ Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư. (Hình minh họa – Nguồn: baobacninh.com.vn).
Mặt khác, xét theo lệ khoa cử triều Hậu Lê thì quy mô khá chặt chẽ ngay từ cấp thi trung khoa (thi Hương); thậm chí để bảo đảm sự chất lượng tuyển chọn nhân tài, năm Nhâm Ngọ (1462) vua Lê Thánh Tông định ra lệ “Bảo kết hương thí”. Đây là bản cam kết bắt các xã phải chịu trách nhiệm về tư cách và đạo đức của các sĩ tử là con em trong xã mình, chỉ những người “thực sự có đức hạnh, mới được đưa vào danh sách dự thi. Loại bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, kẻ điêu toa, tuy có học vấn, văn thơ hay cũng không cho vào thi…”.
Chưa kể đến quy định trong pháp luật triều Hậu Lê có đề cập đến “thập ác” là 10 loại tội bị coi là đặc biệt nguy hiểm, phải áp dụng hình phạt tử hình, trong đó có “Nội loạn” với các hành vi gian dâm có tính chất loạn luân.
Như vậy, với những quy định chặt chẽ về mặt thi cử, với sự nghiêm khắc về mặt pháp luật và cả về đạo đức xã hội, một người từng “thông dâm với mẹ vợ” như Nguyễn Nghiêu Tư liệu có thể thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật, vượt qua được sự sát hạch về tài năng và tư cách đạo đức để rồi đi thi, đoạt học vị cao nhất nền khoa cử, sau đó được trọng dụng, liên tiếp thăng tiến công danh qua nhiều đời vua?. Dân gian cũng không hề nhầm lẫn khi đánh giá công tội của một nhân vật tiếng tăm trong lịch sử, do đó việc lưu truyền những giai thoại đẹp cũng như sự thờ phụng tri ân công đức và tài năng của ông tại quê hương Kinh Bắc từ xưa đến nay chính là minh chứng rõ nhất về sự trong sạch không một vết nhơ của Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư.