Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen. (Ảnh minh hoạ)
Hoa Sen không chịu ảnh hưởng từ việc áp thuế thép của Mỹ?
Ngày 2/7/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD: Antidumping Duty), thuế chống trợ cấp (CVD = Countervailing Duty) đối với thép cán nguội (CRS: Cold-Rolled Steel) và thép chống ăn mòn hay còn gọi là tôn mạ (CORE: Corrosion-Resistant Steel) của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ mà sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Đài Loan) được Mỹ khởi xuống điều tra từ 2/8/2018.
Theo đó, với sản phẩm tôn mạ sử dụng nguyên liệu thép cán nóng từ Hàn Quốc sẽ lần lượt chịu mức thuế AD là 28,28% và mức thuế CVD là 1,19%. Tôn mạ dùng nguyên liệu từ thép cán nóng Đài Loan sẽ chịu thuế AD là 10,34%.
Đối với sản phẩm thép cán nguội sử dụng nguyên liệu thép cán nóng từ Hàn Quốc sẽ lần lượt chịu mức thuế AD là 20,33% và CVD là 3,89%.
Trước đó ngày 16/5/2018, DOC cũng ra quyết định cuối cùng trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép cán nguội và tôn mạ xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ mà sử dụng nguyên liệu thép cán nóng từ Trung Quốc.
Cụ thể, tôn tôn mạ dùng nguyên liệu thép cán nóng từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế thuế AD là 199,43% và thuế CVD là 39,05%. Đối với thép cán nguội có nguyên liệu sản xuất từ thép cán nóng Trung Quốc sẽ chịu mức thuế AD là 199,76% và thuế CVD là 256,44%.
Như vậy, những doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thép cán nguội và tôn mạ được sản xuất từ nguyên liệu thép cán nóng của Việt Nam hoặc của các quốc gia, vùng lãnh thổ khác không phải từ Trung Quốc, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan sẽ đương nhiên không bị áp thuế AD và thuế CVD trong 2 vụ việc này.
Là doanh nghiệp đang xuất khẩu tôn nhiều sang Mỹ, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết: “Quyết định này không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen. Thực tế là trong các năm qua, chúng tôi đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp để đáp ứng tất cả các yêu cầu của DOC và liên tục xuất khẩu các đơn hàng lớn vào Mỹ”.
Theo ông Vũ Văn Thanh, những năm qua, Tập đoàn Hoa Sen không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp để đáp ứng tất cả các yêu cầu của DOC và liên tục xuất khẩu các đơn hàng lớn vào Mỹ.
Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ cho biết đã chủ động sử dụng nguồn nguyên liệu Việt Nam hoặc các nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ không phải từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ.
“Chúng tôi cũng chủ động hợp tác tốt với DOC trong quá trình điều tra, thẩm tra trực tiếp tại Tâp đoàn Hoa Sen, cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến sản phẩm đầu ra theo yêu cầu của DOC một cách minh bạch”, ông Thanh nói.
Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ cũng cho biết, trong chiến lược kinh doanh, Hoa Sen đang “đi cả hai chân”, là thị trường nội địa và xuất khẩu.
Khó khăn đang chờ đợi Hoa Sen, Nam Kim
Trải qua năm 2018 với nhiều biến động, bước sang năm 2019, nhiều tên tuổi "đình đám" trong ngành thép như Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG), thậm chí Hòa Phát (HPG)... vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng khó khăn, khiến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này "lao đao".
Sau nửa đầu năm 2019, nhiều nhà đầu tư vẫn khó có thể chờ đợi sự bứt phá của các doanh nghiệp ngành thép trong ngắn hạn.
Sản lượng sản xuất, tiêu thụ thép ở Việt Nam giai đoạn 2013-2018. (Nguồn: MBS)
Với Tập đoàn Hoa Sen (HSG), trong bối cảnh lợi nhuận sụt giảm tới 70%, Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ liên tiếp giải thể chi nhánh và công ty con thì mới đây vị đại gia này gây bất ngờ khi bỏ ra gần 5 tỷ đồng góp vốn để thành lập công ty CP Cảng quốc tế Hoa Sen.
Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ sẽ chi 4,9 tỷ đồng góp vốn theo hình thức mua cổ phần để thành lập công ty CP Cảng quốc tế Hoa Sen. Công ty này có quy mô vốn điều lệ khá khiêm tốn, chỉ 10 tỷ đồng, có trụ sở tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo thông tin mà tập đoàn Hoa Sen, công ty CP Cảng quốc tế Hoa Sen có ngành nghề kinh doanh chính là "hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải," các hoạt động kinh doanh được mô tả chi tiết là dịch vụ đại lý tàu biển, vận tải đường biển, cung ứng tàu biển, lai dắt tàu, kiểm đếm hàng hoá, logistics, khai thuế hải quan...
Ngoài ra, công ty CP Cảng quốc tế Hoa Sen còn kinh doanh thêm khoảng 30 ngành nghề khác bao gồm bán lẻ ô tô con, buôn bán nhiên liệu, vận tải hành khách (taxi, ven biển, thủy nội địa, viễn dương), du lịch, vận tải hàng hoá,...
Đây là thương vụ ngoài ngành đầu tiên kể từ đầu năm 2019 đến nay của Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ, trong bối cảnh doanh nghiệp này đã giải thể gần 400 chi nhánh trong lộ trình tái cấu trúc nhằm tăng cường hiệu quả quản trị đối với hệ thống phân phối, góp phần tiết giảm chi phí, nguồn lực trong công tác điều hành hệ thống phân phối, củng cố năng lực cạnh tranh tại thị trường nội địa và không làm giảm số lượng đơn vị phân phối thuộc Tập đoàn Hoa Sen trên thị trường.
Thị phần ngành thép Việt Nam (Nguồn: MBS)
Về dự báo vĩ mô, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, ngành thép ở Việt Nam là tích cực trong dài hạn do môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Chính phủ và dòng vốn FDI tiềm năng chảy vào quốc gia.
Cụ thể, chi tiêu cơ sở hạ tầng ở Việt Nam luôn tăng trưởng ở tỷ lệ hai con số kể từ năm 2012. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng đang trong giai đoạn bắt đầu, ví dụ như tuyến Metro TPHCM, sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường cao tốc và cầu quanh các thành phố như Hà Nội và TP.HCM...
Thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ hết hạn vào các năm 2020 - 2021. Tuy nhiên, với xu hướng bảo hộ đang gia tăng trên thế giới và tầm quan trọng của ngành thép đối với Việt Nam, MBS nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục áp dụng thuế tự vệ. Ngược lại, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên toàn cầu cũng tạo sức ép đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều như Hoa Sen hay Nam Kim.
MBS đánh giá ngành thép ở Việt Nam là tích cực trong dài hạn do môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Chính phủ và dòng vốn FDI tiềm năng chảy vào quốc gia.
Tuy nhiên, chiếc bánh ngành thép không chia đều cho tất cả, doanh nghiệp yếu kém sẽ phải đối diện nguy cơ bị gạt bỏ. Theo MBS, mức cạnh tranh gia tăng trong những năm tới sẽ là bài kiểm tra với các doanh nghiệp về sức mạnh tranh giành thị phần, cùng khả năng duy trì lợi nhuận và dòng tiền. Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp yếu kém có nguy cơ bị gạt bỏ và những người tham gia mạnh hơn sẽ có được cơ hội giành lấy thị phần.
Đối với thép dẹt, MBS ước tính tổng công suất sẽ tăng 25 - 30% trong năm 2019, phần lớn từ Hoa Sen và Nam Kim. 2 doanh nghiệp này cũng đang đầu tư khá nhiều, do đó chịu áp lực rất lớn về dòng tiền. Theo quan điểm của MBS, cạnh tranh về giá sẽ diễn ra trong những năm tới, đặc biệt là đối với các phân khúc thép dẹt và tôn mạ.