Nhưng Lưu Thị không sống cùng các thê thiếp khác của Viên Thế Khải ở Dưỡng Thọ Viên, Hoàn Thượng Thôn, mà sống một mình trong Viên Phủ ở ngõ Cửu Phủ, Bắc Kinh. Đó là một biệt phủ kiểu “tứ hợp viện”, kiến trúc kiểu Đông Tây kết hợp, có thiết bị sưởi ấm hiện đại. Viên Thế Khải thỉnh thoảng về đây với người vợ trẻ nhất của ông.
Đại Tổng thống Viên Thế Khải và quốc kỳ Trung Hoa Dân quốc thời đó.
Phong miệng “hoàng hậu, vương phi”
Bà thiếp thứ tư Mẫn Thị và bà thứ 7 Trương Thị đều qua đời trước khi Viên Thế Khải lên làm Đại Tổng thống và dọn vào Trung Nam Hải. Mẫn Thị chết vì bệnh hậu sản khi đó Viên Thế Khải đang là Tổng đốc Trực Lệ; Trương Thị không sinh được người con nào, theo quy định nhà họ Viên, chỉ được gọi là “cô nương”, nhưng do Viên Thế Khải rất sủng ái nên vẫn được gọi là “Thất di thái thái”. Khi Viên Thế Khải phụng mệnh triều Thanh “về quê dưỡng bệnh” liền dẫn theo Trương Thị về huyện Huy, Hà Nam ở tạm rồi bà bị bệnh và chết ở đây.
Năm 1913, Viên Thế Khải vào Trung Nam Hải, vợ con cũng vào theo cùng. Trong Trung Nam Hải, Viên Thế Khải làm việc và ngủ nghỉ tại Cư Nhân Đường. Tại Cư Nhân Đường có một tầng lầu dành cho các bà vợ, nhưng ban đêm ông ta không đến phòng các bà vợ, mà các bà luân lưu đến chỗ ông ngủ. Đến phiên bà nào “thị tẩm” thì người hầu của bà đó mang các đồ dùng của nữ chủ nhân tới phòng ngủ của Đại Tổng thống.
Khi đó chính thất Vu Thị và các bà thiếp thứ nhất, thứ 2, thứ 3 đều không còn sống chung với ông nữa, việc luân phiên phục vụ phòng the chỉ còn 4 bà thiếp 5, 6, 8, 9 (bà thứ 7 đã chết). Mỗi bà “trực chiến” phục vụ ông trong 1 tuần. Trong số này, bà thứ 9 còn trẻ quá, “kỹ xảo phòng the” chưa thành thạo, nên Viên Thế Khải không hài lòng, có khi chưa hết 1 tuần, ông đã bảo bà dọn về để thay bằng bà khác.
Tuy việc ngủ ban đêm do 4 bà luân phiên phục vụ, nhưng cứ sáng ra là bà thứ 5 (Dương Thị) phải có mặt bên cạnh ông để phục vụ mọi chuyện sinh hoạt dù không phải phiên trực của bà. Dương Thị là người rất nghiêm khắc với người khác, nhưng mỗi sáng khi Viên Thế Khải thức dậy ra khỏi phòng ngủ, bao giờ cũng thấy bà đã đứng sẵn nở nụ cười tươi “Chào đại nhân!”, rồi chăm sóc chuyện vệ sinh cá nhân, ăn sáng, mặc trang phục cho ông.
Sau khi Viên Thế Khải chính thức lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Hồng Hiến, nghi lễ cung đình đương nhiên được đưa ra bàn bạc. Các thứ Long bào, Phụng bào, trang phục của hoàng tử, công chúa, cung nữ… đều được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo. Chính thất phu nhân Vu Thị trở thành Hoàng hậu. Sau khi khoác Phụng bào, bà đã cùng các công chúa, cung nữ xúng xính chụp ảnh. Trong lúc đó các Nội lễ quan, Nữ trưởng quan, nữ quan đội ngũ chỉnh tề do Tôn Bảo Kỳ phu nhân dẫn đầu chia làm hai đội xếp hàng trước lễ đường làm lễ chúc mừng Vu Hoàng hậu.
Tuy đã trở thành Hoàng hậu, nhưng vốn người thôn quê tập tính khó thay đổi nên khi được đưa vào đại đường, bà không chịu ngồi mà vội nói với Tôn Bảo Kỳ phu nhân: “Thưa bà thông gia, thưa các bà, hoàng hậu không dám, không cần phải hành lễ!”.
Khi các nữ quan đồng thanh “Mời hoàng hậu chính vị” và phải 4 người lên đỡ, Vu Hoàng hậu mới dám ngồi xuống “Phụng vị” để nhận lễ của mọi người. Khi thấy mọi người vái lạy mình, bà lại vội vã đứng dậy “Không dám!”, 4 nữ quan lại phải ấn bà xuống: “Hoàng hậu phải ngồi thụ lễ, không được đứng dậy”…
Tước hiệu của các bà vợ đều do Viên Thế Khải tấn phong bằng miệng chứ không có chiếu chỉ. Các bà thiếp thứ 1, 2, 3, 5 được phong làm Phi; 3 bà 6, 8, 9 được phong làm Tần, lại còn xếp thứ tự trước sau. Vì chuyện này mà các bà đã gặp ông tranh cãi gây thành chuyện ầm ĩ.
Viên Thế Khải và những người thiếp.
Ngoài ra, Viên Thế Khải còn tuyển chọn từ những người hầu hạ các bà vợ ra 4 “xử nữ”, làm quan cai quản cung đình thay cho các Thái giám, nhưng do tình hình biến chuyển quá nhanh nên họ chưa kịp làm việc đã bị giải tán. Thế nhưng, lịch sử ghi nhận: chế độ Thái giám tàn ác tồn tại bao năm, lần đầu tiên đã bị “Hồng Hiến Hoàng đế” Viên Thế Khải bãi bỏ vì cho rằng trái với luân thường…
Tháng 6/1916, Viên Thế Khải chết. Khi ông vừa tắt thở, Vu Hoàng hậu đã cất tiếng khóc ai oán: “Đại nhân, cả đời ông coi thường tôi, lấy nhiều vợ, sinh ngần ấy con; ông ra đi đều bỏ lại cho tôi, tôi biết làm sao bây giờ?”. Khi đó đám con cái do người con thứ Viên Khắc Văn cầm đầu quỳ trước mặt bà, cầu xin ban cho họ được chết theo cha. Cuối cùng, người con cả Viên Khắc Định phải đứng ra trấn an mới chấm dứt được cục diện khó xử này.
Ngay tối hôm Viên Thế Khải vừa qua đời, bà thiếp thứ 5 Dương Thị đã cho người hầu khiêng két sắt của ông về phòng riêng và giữ luôn chìa khóa phòng làm việc của ông. Mấy ngày sau đó, những người trong phủ đều quỳ phục quanh thi hài Viên Thế Khải theo lễ nghi. Bỗng một người kêu lên “Bà Ba nuốt cái gì đó rồi!”.
Mọi người xôn xao, một lúc sau thầy thuốc được mời tới, bà Ba mới nôn thứ đã nuốt ra ngoài. Trong lòng mọi người trong phủ đều như bị bao phủ bởi bóng đen, quả là tình cảnh “cây đổ đàn cáo tan tác”. Sau khi Viên Thế Khải được đưa về an táng ở Hằng Thượng Thôn, các bà vợ và những người con vị thành niên của ông phải ở lại Chương Đức thủ tang 3 năm.
Sau đó, mấy bà đều theo con cái lần lượt trở về dinh cơ của Viên gia ở Thiên Tân rồi chia nhau mỗi người một khu. Sau nữa, mỗi người một ngả, nhà họ Viên hoàn toàn tan vỡ.
Nguyên nhân cái chết của Viên Thế Khải
Đào Thụ Đức, viên quan hầu cận Viên Thế Khải cho đến khi ông chết kể lại trong hồi ký của mình về cách bồi bổ cơ thể của Viên Thế Khải để có sức khỏe sung mãn đáp ứng nhu cầu “luân phiên thị tẩm” của các bà vợ trẻ như sau:
Hàng ngày 5h ông dậy, sau đó uống trà, nước thịt bò ép, nước thịt gà ép; 7h ăn bữa sáng gồm 4 bánh bao, một bát cháo gà; 10h uống 1 bát lộc nhung; 11h uống 1 bát nhân sâm; 12h dùng bữa trưa thường có vịt tiềm, thịt quay, thịt thái mỏng chiên giòn.
Viên Thế Khải rất thích ăn thịt, thịt là món ăn chính của ông. Trước khi chết ông còn ăn hết 1 con vịt quay. 7h tối, ông dùng bữa chiều, cũng lại thịt, chẳng hề thấy rau trên bàn ăn. Ngoài ăn, ông còn dùng thuốc. Sáng điểm tâm xong, ông uống Hoạt Lạc Đan, Hải Cẩu Hoàn….
Điều khiến người ta kinh ngạc là, không phải đến khi có tuổi Viên Thế Khải mới bồi bổ như thế, mà từ khi 25 – 26 tuổi ông đã “ miệng thường xuyên nhai nhân sâm, nhấm lộc nhung”. Ngoài ra ông còn thuê hai vú em, hàng ngày uống sữa do họ vắt ra. Vì vậy, có người nói Viên Thế Khải là “Dân quốc Đệ nhất ăn uống”.
Những người có chút hiểu biết về phép dưỡng sinh đều biết: bồi bổ như thế, hàng ngày lại chỉ ăn thịt cá thì trạng thái cơ thể sẽ như thế nào: Trong thời gian ngắn thì còn có hiệu quả nhất định, duy trì suốt thời gian dài, thuốc bổ sẽ trở thành thuốc độc.
Viên Thế Khải khi xưng đế.
Thực tế, Viên Thế Khải luôn khốn khổ vì các chứng đau răng, bí tiện, đến mức 2-3 ngày phải nhờ thầy lang xem mạch hoặc rửa ruột. Các đồ ăn, thức uống của Viên Thế Khải đều nhằm mục đích “bổ huyết cường thân, tư âm tráng dương”.
Trong đời sống phòng the, Viên Thế Khải cũng không chịu tiết chế, có thể nói “thê thiếp thành bầy”, ngoài 10 người vợ ra, lại còn có thêm những người đàn bà khác. Những người vợ này sinh cho ông tới 32 người con. Ngần ấy người vợ cũng đủ vắt kiệt tinh lực của ông, cho dù giấc mộng hoàng đế của Viên Thế Khải có không sớm tan vỡ thì cứ duy trì cuộc sống kiểu đó, ông cũng không thể trường thọ được…