Động lực xây dựng nông thôn mới
Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trọng tâm của đề án là phát triển các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch nông thôn có lợi thế ở mỗi địa phương theo hướng chuỗi giá trị gia tăng, do các thành phần kinh tế tư nhân (đặc biệt là DN, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể (hợp tác xã) thực hiện.
Sản phẩm ở đây gồm sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Ảnh: Đ.Đ
Kinh phí thực hiện đề án đến năm 2025 dự kiến 29.940 triệu đồng. Trong đó, kinh phí từ Nhà nước là 19,278 tỷ đồng (64,39%); từ các DN/cơ sở và hộ sản xuất đóng góp là 10,212 tỷ đồng (34,11%) và từ dự án khác là 450 triệu đồng (1,50%). Kinh phí giai đoạn 2026 - 2030 mang tính định hướng, cuối năm 2025 các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí cụ thể cho giai đoạn này. |
Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và tín dụng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết, mục tiêu của đề án là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, DN nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Ngoài ra, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường.
Phát triển 30 sản phẩm OCOP_AG năm 2030
Để thực hiện mục tiêu trên, có 8 nhóm giải pháp được đưa ra. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về đề án OCOP_AG; xây dựng hệ thống quản lý thực hiện đề án OCOP_AG; đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực; lồng ghép các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương để tăng cường nguồn lực cho việc thực hiện đề án; hỗ trợ chuyển giao khoa học và công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng nhóm cố vấn đề án OCOP_AG; huy động vốn và các nguồn lực để thực hiện đề án; hỗ trợ xúc tiến thương mại và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm OCOP_AG…
Mục tiêu đến năm 2020, xác định và lựa chọn ít nhất 10 sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tham gia đề án OCOP_AG cấp tỉnh để được thúc đẩy hỗ trợ phát triển. Trong đó tập trung vào 6 nhóm/ngành hàng: Thực phẩm, nông sản tươi và qua chế biến; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; mặt hàng lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
Định hướng đến năm 2030, phát triển thêm ít nhất 20 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm OCOP_AG của đề án là 30 sản phẩm thuộc 4 nhóm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.